Thế nhưng, phần lớn thiết kế đô thị mang tính khả thi chưa cao, không sát với thực tiễn nên trong quá trình áp dụng đã gây ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười”.
Nỗi lòng quận - huyện
Nhiều nội dung trong đồ án quy hoạch phân khu và đồ án thiết kế đô thị trùng lắp nhau, thậm chí “chỏi” nhau đã khiến chính quyền địa phương và người dân chẳng biết đâu mà lần.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TPHCM), lấy trường hợp trục đường Phạm Văn Đồng để minh họa cho sự “chỏi’ nhau giữa thiết kế đô thị và quy hoạch chi tiết. Cụ thể, theo quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Gò Vấp thì trục đường Phạm Văn Đồng có một số diện tích đất thổ cư, nhưng thiết kế đô thị lại có chức năng thương mại kết hợp với nhà ở, vì thế quận chỉ có thể cấp phép xây dựng tạm và nhiều quyền lợi về sử dụng đất khác như tách thửa, chuyển nhượng… bị hạn chế nên người dân rất bức xúc.
Còn ông Vũ Chí Kiên, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, lấy luôn sự việc của khu đất ngay cạnh trụ sở UBND quận ra ví dụ. “Theo quy hoạch phân khu thì đây là đất ở; nhưng theo thiết kế đô thị, do sai lệch về tọa độ, nên một phần phía sau của khu đất bị rơi vào đất công trình công cộng, vậy là giữa hai thủ tục có sự “va chạm” về mặt pháp lý và khi một nội dung thay đổi thì kéo theo rất nhiều thủ tục khác thay đổi”, ông Kiên thổ lộ. Những trường hợp bị hoán đổi mục đích sử dụng đất giữa đồ án quy hoạch chi tiết và đồ án thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian qua không phải là hiếm.
Đồng cảm với các địa phương, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết trục đường Võ Văn Kiệt đoạn chạy qua quận 5 cũng có nhiều trường hợp đất trường học, nhà dân… bị chuyển đổi làm công viên cây xanh khiến chính quyền quận lúng túng, không biết phải thực hiện thế nào nên kiến nghị lên trên. “Chúng tôi phải tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố với quy hoạch và điều chỉnh lại những chỗ vênh ấy. Phải mất 1 năm Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM mới hoàn thành công việc này”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết. Từ đó, ông Toàn yêu cầu các đơn vị tư vấn lập đồ án thiết kế đô thị cần phải tuân thủ quy hoạch chi tiết.
Điều chỉnh từ quy định
Theo KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, bản chất giữa thiết kế đô thị và quy hoạch chi tiết không phải sự chồng lấn mà thiết kế đô thị là văn bản hóa, pháp lý hóa quy hoạch chi tiết. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Nghị định 44/2015 (quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng) và Thông tư 06/2013 (hướng dẫn thiết kế đô thị) đều có quy định cụ thể về thiết kế cảnh quan, kiến trúc đối với từng loại đồ án quy hoạch (đô thị và khu chức năng đặc thù) và từng cấp độ (quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu). Nếu thực hiện tất cả các bước, đủ cấp độ thì chất lượng định hướng của các đồ án thiết kế đô thị sẽ là công cụ hiệu quả để quản lý quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay, thành phố gần như chỉ thực hiện đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu để quản lý và cấp phép xây dựng. Vì thế thiếu các yêu cầu quản lý cảnh quan cụ thể hoặc chỉ lập tạm và sử dụng quy chế quản lý xây dựng để làm công cụ cấp phép.
Còn KTS Trương Song Trương, Đại học Kiến trúc TPHCM, cho rằng đồ án thiết kế đô thị thiếu các định nghĩa cần thiết. Đối tượng cần quản lý gồm 2 loại: lô đất và công trình trên lô đất. Đối với các lô đất thì quy hoạch và thiết kê đô thị sẽ là cơ sở quản lý tốt vì chúng cụ thể và khó thay đổi theo thời gian. Nhưng công trình trên lô đất thì dễ thay đổi theo chủ sở hữu, mục đích sử dụng, ranh đất… Vì thế các đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị cần có sự dự báo và linh hoạt nhất định, thông qua định nghĩa miêu tả các loại hình chức năng trên lô đất. Chẳng hạn, dọc theo trục xa lộ Hà Nội, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi có đến vài chục loại hình sử dụng đất khác nhau: đất ở hiện hữu, đất ở mới, đất ở cải tạo, đất ở hỗn hợp… Mỗi lô đất trong từng loại hình sử dụng đất đó được phép xây dựng, ranh đất tối thiểu… quy định khác nhau. Tuy nhiên, các định nghĩa, miêu tả này lại không được làm rõ trong các đồ án thiết kế; từ đó, khi xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc sẽ không xác định được đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh.
Bên cạnh đó, theo KTS Trương Song Trương, các quy định hiện cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Điều 33 Luật Quy hoạch đô thị quy định nội dung đồ án thiết kế bao gồm việc xác định màu sắc, vật liệu, hình khối, chi tiết kiến trúc các công trình và các vật thể kiến trúc khác… Những yêu cầu quá chi tiết như thế này rất khó thực hiện tại các đô thị ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nên quy định này chưa thật sự khả thi.
Ngoài ra, Thông tư 06/2013 có nhiều nội dung trùng lắp với đồ án quy hoạch đô thị như không gian chính, không gian mở, chỉ tiêu khống chế, không gian cây xanh… dẫn đến việc người làm thiết kế đô thị sau quy hoạch sẽ rất khó xác định vấn đề cần nghiên cứu. Vì thế, cần phân định rõ nội dung của đồ án quy hoạch và đồ án thiết kế đô thị để tránh sự trùng lắp. Đồ án thiết kế đô thị sau khi đã có quy hoạch thì cần tuân thủ; ngược lại, các đồ án quy hoạch cũng cần lược bớt các nội dung quá chi tiết, cụ thể hoặc nếu có đề xuất cũng chỉ mang tính ghi chú tham khảo trong quá trình làm thiết kế đô thị.
Bên cạnh đó, đồ án thiết kế đô thị cũng nên làm rõ hiệu quả về kinh tế lô đất, tính rành mạch của đô thị, tính cá nhân trong các công trình… Còn các văn bản quy định, hướng dẫn nên cũng hạn chế các nội dụng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, chưa hợp lý, gây khó khăn cho người thực hiện.