Trụ cột gia đình... bất đắc dĩ
Mấy ngày trước, chị Ngọc Lan (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nghe chồng thông báo bị công ty chấm dứt hợp đồng sau gần 20 năm làm việc mà hụt hẫng. Lý do doanh nghiệp đưa ra là đơn đặt hàng từ các đối tác giảm mạnh dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất. “Mỗi tháng chi phí cho 2 đứa nhỏ khoảng 15 triệu đồng, trả góp tiền mua nhà, tín dụng gần 30 triệu đồng, các chi phí sinh hoạt khác gần 5 triệu đồng. Tính ra, thu nhập hai vợ chồng khoảng 50 triệu đồng/tháng vừa khít chi tiêu, chẳng dư thêm”, chị Ngọc Lan nhẩm tính. Thành ra, khi chồng chị mất việc, khoản thâm hụt bỗng trở thành gánh nặng, chị chưa biết lấy gì bù vô.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm giảm giá tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM |
Hoàn cảnh chị Kim Mai (thuê trọ ở quận 10, TPHCM) cũng tương tự. Hai vợ chồng chị từ Hải Dương vào TPHCM lập nghiệp gần 20 năm qua và tích cóp mua được mảnh đất nhỏ tại Bình Dương. Để thuận tiện cho việc học của các con nên cả hai thuê trọ tại quận 10. Chồng lái xe cho một doanh nghiệp, mức lương khoảng 12 triệu đồng/tháng; vợ làm nhân viên tạp vụ ở một bệnh viện tư khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Thu nhập hai vợ chồng không cao, nhưng biết gói ghém nên con cái được học hành đàng hoàng”, chị Mai cho hay. Cách đây một tháng, chồng chị bất ngờ bị mất việc. Thất nghiệp ở tuổi U50 khiến chồng chị chán nản, mượn rượu giải sầu, trong men say, anh sẵn sàng “động thủ” với vợ bất chấp sự can ngăn của con cái.
Trên nhiều hội nhóm mạng xã hội, không khó để tìm thấy thông tin ngoài tìm việc, có cả trường hợp làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng… nhưng vẫn thất nghiệp. Nguyên nhân, theo người trong cuộc nhận định, do sự cạnh tranh và đào thải khắc nghiệt của môi trường công việc. Trước thực tế trên, để tiếp tục duy trì cuộc sống, nhiều người như chị Kim Mai, Ngọc Lan… đã phải “gồng mình” làm trụ cột gia đình bất đắc dĩ.
Sau cơn mưa, trời lại sáng
Dù mệt mỏi, áp lực, nhưng chị Mai chia sẻ, phải cố gắng vực dậy gia đình nhỏ, giúp các con yên tâm học hành. Riêng ông chồng có nguy cơ nát rượu, chị phải nhờ tới bố mẹ, anh em ruột nhà chồng khuyên can trên tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, vừa động viên chồng vừa cùng anh tìm kiếm công việc mới. Song song đó, chị cũng nhờ chồng đưa đón con, có thêm thời gian tương tác, trò chuyện nhiều hơn với bọn trẻ, để chúng cảm nhận được hơi ấm gia đình. Hiểu được nỗi lo của mẹ, đứa lớn học năm 2 đại học và đứa nhỏ học lớp 11 chủ động làm gia sư dạy kèm online để có thêm thu nhập.
Sau khi được gia đình góp ý, các con quan tâm, chồng chị Mai đã làm thêm một số việc như giao hàng nhanh, chạy taxi… để trang trải cuộc sống. “Tiền điện nước, học phí, thực phẩm… đều tăng, nhưng thu nhập sụt giảm, đành chật vật liệu cơm gắp mắm. Hy vọng chồng tôi bước qua cú sốc này là tôi yên tâm”, chị Kim Mai nói.
Đối với trường hợp chị Ngọc Lan, người phụ nữ trụ cột này phải nỗ lực “cày cuốc”, làm việc gấp ba để trám vào khoản thiếu hụt của chồng nhưng không đơn giản. Tiền tiết kiệm phòng ngừa lúc ốm đau cũng được chị Lan rút ra chi tiêu nhưng không đủ và chỉ có thể trụ thêm vài tháng nữa.
Mới đây, ngân hàng thông báo lãi suất tăng khoảng 3%, tương đương chị phải bù thêm gần 3 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi, vợ chồng chị sẽ ứng phó ra sao trước khó khăn này, chị Lan chia sẻ: “Mua sắm phù hợp, săn hàng ưu đãi cũng tiết kiệm được kha khá chi tiêu mỗi tháng. Kiểu gì cũng có cách vượt khó”. Chị dự tính sẽ trao đổi với ngân hàng để được đóng tiền lãi, còn tiền gốc đóng sau. Trong khi chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp, chồng chị Lan làm thêm một vài việc lặt vặt (chạy xe, sơn sửa nhà…) để có thêm đồng ra đồng vào.
Luôn có cơ hội trong khó khăn, quan trọng là chúng ta hãy nỗ lực điều chuyển hướng đi về phía ánh sáng. Đôi khi lùi bước chưa hẳn là thất bại, mà nó giúp ta nhìn rõ hơn con đường mình đang đi, bởi “sau cơn mưa, trời lại sáng”.