Thiếu trường, lớp - Vì sao nên nỗi?
Một trong những yêu cầu bắt buộc của CT GDPT 2018 đối với bậc tiểu học là dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh (HS). Tuy nhiên, trước áp lực tăng dân số cơ học hàng năm, TPHCM đối mặt với tình trạng trường lớp xây mới không kịp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Cô Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp), cho biết, năm học 2022-2023, trường có 17/38 lớp có sĩ số trên 45 HS/lớp, nhiều hơn 10 HS so với quy định chuẩn 35 HS/lớp theo Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, trường chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS lớp 1, 2 do phòng ốc không đủ đáp ứng. Năm học này, hai khối 1, 2 được học 2 buổi/ngày nhưng không bố trí được đối với lớp 3. Thay vào đó, toàn bộ HS lớp 3 sẽ học chương trình 7 buổi/tuần để đáp ứng yêu cầu dạy học của CT GDPT 2018.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thừa nhận, trường học chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của HS, sĩ số HS/lớp còn cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Trước thực tế đó, địa phương đang áp dụng mô hình “phòng học linh hoạt”, không quy định cứng mỗi phòng học một lớp mà tận dụng tối đa phòng trống cho nhiều lớp. Tuy nhiên, quận Gò Vấp lo ngại khi CT GDPT 2018 cuốn chiếu thực hiện đến lớp 5, phòng ốc sẽ không đủ đáp ứng yêu cầu dạy học của chương trình.
Vào tháng 8-2021, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh đến việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy mô HS để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các đối tượng HS được thụ hưởng nền giáo dục tốt và toàn diện. Song, trên thực tế, đây là nút thắt chưa tìm ra lời giải của TPHCM nói riêng, nhiều tỉnh, thành phố nói chung trên cả nước. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nêu, hiện nay diện tích đất công được quy hoạch xây dựng trường học còn hạn chế, đất quy hoạch chủ yếu thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khiến chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. Do đó, tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất cần sự chung tay của nhiều ban, ngành, đoàn thể xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.
Mò mẫm dò đường
Một trong những khó khăn của CT GDPT 2018 là các môn học mới chưa có văn bản hướng dẫn triển khai. Theo thầy Huỳnh Khương Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và giáo dục địa phương là 2 hoạt động giáo dục bắt buộc nhưng hoàn toàn mới trong CT GDPT 2018 ở lớp 10. Theo thiết kế chương trình, các hoạt động này có vị trí tương đương một môn học. “Nếu triển khai như một môn học cần quy định cụ thể tổ chuyên môn, trong đó phân công giáo viên giữ nhiệm vụ tổ trưởng, tổ phó. Như vậy, trong cùng trường học, giáo viên có thể thuộc 2 tổ chuyên môn hay không? Việc này cần được hướng dẫn cụ thể vì còn liên quan đến chế độ, chính sách cho giáo viên”, thầy Anh Dũng nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), đề xuất, cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với các môn học mới để có sự thống nhất tương đối giữa các trường, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Ngay tại Hà Nội, việc triển khai CT GDPT 2018 cũng gặp không ít khó khăn. Tại Trường THCS Phúc Xá (quận Ba Đình), thầy Cấn Việt Thắng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, triển khai thực hiện CT GDPT năm 2018, trường chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy chương trình lớp 6, 7, bố trí để giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của sở và phòng. Với môn Khoa học tự nhiên, trường phân công một giáo viên đảm nhiệm cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sau khi được bồi dưỡng các khóa tập huấn. Đối với bộ môn Lịch sử, Địa lý vẫn thực hiện theo phân môn riêng. Nhà trường cũng mong muốn sớm có hướng dẫn về cơ chế bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học bộ môn, nhất là với các môn học tích hợp.
Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) cũng cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong dạy học Tiếng Anh, Tin học là đội ngũ giáo viên chưa kịp bổ sung đủ, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng yêu cầu. Do đó, để đảm bảo dạy học bắt buộc cho HS khối 3, tự chọn cho HS khối 4, 5 đòi hỏi sự nỗ lực của nhà trường, giáo viên là chính. 3 điểm trường lẻ của trường nằm sâu trong thôn chưa có mạng, cơ sở vật chất thiếu, ban giám hiệu đã tính tới phương án dạy học trực tuyến, giúp HS lớp 1, 2 tại các điểm lẻ không chậm hơn so với điểm chính và được làm quen với môn học sớm nhất, để khi bước vào lớp 3 và dồn về điểm chính, các em sẽ vững vàng hơn với học 2 môn học này.
Nhiều trường cho biết, rất khó khăn trong việc lo liệu đầy đủ trang thiết bị để học tập. Lãnh đạo một trường THCS ở Hà Nội cho hay, thu HS tiền hỗ trợ để trang bị phòng tin học thì bị phụ huynh “kiện”, mà không thu thì không lấy tiền đâu ra để trang bị cho HS học. Vì thế, lằn ranh sai - đúng giữa xã hội hóa và thu chi là rất mỏng manh, nếu không làm thì HS thiếu thiết bị để học tập, mà làm không khéo thì rất dễ bị kết luận là làm sai.
* Lớp học thiếu học cụ
Thực tế ghi nhận từ các địa phương cho thấy, đồ dùng dạy học triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 3, 7 (2 khối lớp bắt đầu triển khai CT GDPT 2018 từ năm học 2022-2023) chưa được phân bổ về các trường. Đây cũng là tình trạng chung của các năm học trước khi qua gần hết học kỳ 1 thì đồ dùng dạy học mới được phân bổ về các trường. Trong bối cảnh đó, giáo viên phải dạy “chay” hoặc linh hoạt chuyển đổi nhiều phương pháp nhằm đảm bảo yêu cầu dạy học.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, cho biết, năm học 2022-2023 đã qua nhiều tuần nhưng thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ chương trình mới chưa có kế hoạch phân bổ về các trường. Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường rà soát cơ sở vật chất, có kế hoạch sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhằm khắc phục khó khăn về dạy học.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thầy Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông (huyện Phú Lộc), chia sẻ, cái khó trong CT GDPT mới là thiết bị dạy học mới chưa có. Trường đang rà soát lại các thiết bị trong CT GDPT 2006, nếu phù hợp thì có thể sửa lại để giảng dạy. Giáo viên sẽ tự làm đồ dùng học tập để phục vụ công tác dạy học. Ngoài ra, các tổ chuyên môn dùng các thiết bị ảo, mô phỏng trên máy tính để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị. Trường sẽ triển khai tăng thêm dự án để các nhóm HS phải làm các thiết bị để có nguồn tư liệu dạy học.
* Các địa phương phải lo vốn
Bộ GD-ĐT cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước khó khăn, không còn các chương trình thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (nguồn vốn thực hiện kiên cố hóa trường lớp như các giai đoạn vừa qua). Theo đó, nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp của các địa phương do địa phương chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương và lồng ghép thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của các địa phương để thực hiện CT GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, nhưng việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do ngân sách trung ương không hỗ trợ thực hiện; việc thực hiện được lồng ghép thông qua 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của địa phương nên việc triển khai phụ thuộc nhiều vào khả năng tự cân đối của các địa phương.