Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vừa có đợt khảo sát các đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam... Qua các cuộc khảo sát, cho thấy việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chuyên nghiệp tại TPHCM chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng các đơn vị hoạt động yếu, thiếu thốn, kém phát triển.
Những nhà hát không nhà
Thành phố hiện chỉ có duy nhất một nhà hát mới được xây dựng là rạp Hưng Đạo, đã giao cho đơn vị nghệ thuật Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Công trình này vướng phải hàng loạt lỗi thiết kế, nhiều hạng mục chưa sử dụng đã hết hạn bảo hành, một số thiết bị kỹ thuật mới sử dụng đã hư hỏng. Những sai phạm không đáng có về thiết kế xây dựng công trình rạp hát cùng với hàng loạt “sự cố kỹ thuật” khiến hoạt động của đơn vị này gặp nhiều trở ngại. Các đạo diễn, nghệ sĩ làm nghề ở đây cũng gặp không ít khó khăn.
Với Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (gồm đoàn xiếc và đoàn múa rối), Đề án công trình Nhà hát Xiếc đa năng ở Phú Thọ, quận 11 đã có từ 16 năm trước, đến năm 2013 hai đoàn nghệ thuật sát nhập thành một và đi vào hoạt động, nhưng đến nay nhà hát vẫn không có nhà. Rạp xiếc dời từ công viên 23-9 về công viên Gia Định, với tình trạng rạp bạt di động đã hơn 20 năm tuổi đời, nhà hát phải sử dụng các container làm văn phòng cho nhân viên tránh nắng mưa.
Trụ sở chính của nhà hát hiện thời là rạp Nhân Dân ở quận 5 với phòng ốc cũ kỹ và một sân khấu xuống cấp, ẩm thấp, không thể phục vụ công tác biểu diễn. Điểm diễn múa rối nước (thuê mặt bằng) nằm bên trong Bảo tàng Lịch sử TPHCM, quận 1, múa rối cạn không có điểm diễn cố định. Mới đây, nhà hát đã thuê điểm sân khấu Nhà Thiếu nhi TPHCM và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho múa rối cạn diễn nhưng hoạt động cũng bấp bênh.
Cùng “bệnh” tương tự là Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO). Hiện nay, văn phòng HBSO trú ngụ dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố, dàn nhạc, dàn hợp xướng tập tại rạp Thanh Vân, nơi đây cũng là kho nhạc cụ của nhà hát. Riêng các nghệ sĩ múa phải lần lượt di chuyển điểm tập (đi thuê) từ Trường Múa TPHCM đến Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, nhưng hiện nay đoàn múa HBSO cũng không có chỗ để tập luyện.
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM vẫn chưa có được một nhà hát cho riêng mình
Cách đây nhiều năm, HBSO được thành phố đầu tư mua một dàn nhạc cụ hiện đại nhất Việt Nam với kinh phí 2 triệu USD, các nghệ sĩ nhà hát rất vui mừng. Giai đoạn mua nhạc cụ này cũng là để chuẩn bị cho việc ra mắt nhà hát HBSO tại 23 Lê Duẩn, quận 1. Nhưng sau nhiều năm, dự án nhà hát tại địa điểm này bị thay đổi, với ý tưởng mới sẽ xây dựng nhà hát tại công viên 23-9. Rồi thời gian qua đi, dự án nhà hát HBSO lại được bàn thảo và theo quyết định gần đây nhất, nhà hát sẽ được hình thành ở Thủ Thiêm, quận 2. Như vậy, tính đến nay, dự án xây dựng nhà hát đã kéo dài 23 năm, nhưng vẫn còn mãi nhiêu khê về thủ tục. Cũng vì không có nhà hát riêng nên mỗi lần tổ chức trình diễn, nhà hát buộc phải chuyên chở các loại nhạc cụ quý ngược xuôi trên đường phố, sự di chuyển và va chạm thường xuyên rất dễ làm nhạc cụ bị hư hỏng, trầy xước.
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO nói: “Để xây dựng sự nghiệp cần có nguồn nhân lực. Khi đã xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng, có được hàng loạt tác phẩm, kịch mục trình diễn, thì chúng tôi lại không có nhà hát - điểm diễn. Chúng tôi mong mỏi phải sớm có nhà hát thì mới có thể phát huy, phát triển được nghệ thuật biểu diễn”.
Bất cập chuyện biên chế
Hiện nay, hầu hết các nghệ sĩ chuyên nghiệp đang làm việc trong các đoàn nghệ thuật đều phải làm nghề tay trái vì đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. Nghệ sĩ cải lương, hát bội, múa rối, xiếc, múa, nhạc công, nhạc trưởng... phải tất bật kiếm thêm từ việc dạy học, chạy show lẻ, diễn hát chầu theo mùa, kinh doanh hàng quán, mua bán trên mạng, may gia công, chạy xe ôm... hoặc nhờ vào kinh tế gia đình hỗ trợ để giữ nghề.
Thời gian qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang rất muốn đào tạo thêm nghệ sĩ trẻ để tìm kiếm những tài năng thực sự bổ sung vào lực lượng giỏi nghề, nhưng vì vướng chỉ tiêu biên chế được duyệt nên đành bất lực. Ngoài ra, khó khăn lớn của nhà hát chính là việc thiếu kịch bản hay, do đội ngũ, lực lượng làm nghề (tác giả, đạo diễn) ngày càng khan hiếm. Sân khấu cải lương truyền thống ngày càng khó khăn, thu nhập đời sống không cao, không có chế độ đãi ngộ nên đã không hấp dẫn, thu hút được đội ngũ tâm huyết. Mặc khác, do nguồn kinh phí có hạn nên nhà hát không hấp dẫn được diễn viên, tác giả, đạo diễn giỏi, cũng như không có điều kiện đầu tư những chương trình nghệ thuật hoành tráng có sức cạnh tranh cao.
Phía HBSO, tình hình nhân sự còn căng hơn. Định biên chỉ có 73 người, nhưng nhân sự nhà hát lên đến con số 142. Vì thế nhà hát phải ký thêm hàng chục hợp đồng ngoài quỹ lương và căng mình tự cân đối kinh phí để bù đắp các khoản lương theo quy định cho những trường hợp này. Dù rằng, từ nhiều năm qua, HBSO là đơn vị nghệ thuật duy trì tổ chức được 3 đêm diễn/tháng, có bán vé và có nhiều chương trình “cháy” vé (doanh thu bán vé 3 tỷ đồng/năm), nhưng chi phí dành cho nhân sự ngoài biên chế quá nhiều khiến đời sống nghệ sĩ loại hình nghệ thuật đỉnh cao cũng không cao.
Chính sự yếu kém và phân tán về cơ sở vật chất, đội ngũ nghệ sĩ, đã và đang khiến công việc chuyên môn của các nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Cải lương là đặc sản của TPHCM. Hiện nay, nếu không nhìn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như một địa chỉ tiêu biểu để gìn giữ các sân khấu cải lương tại TPHCM, thì ắt hẳn nhà hát sẽ gặp khó khăn. Cần thiết phải có tầm nhìn văn hóa sâu rộng hơn, phải xem cải lương như một di sản của thành phố, phải có chiến lược đầu tư lâu dài. Và khi đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ như là một bảo tàng, đồng thời đảm nhiệm cả công tác nghiên cứu, đào tạo, góp sức gìn giữ và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống này”.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng gặp chông gai. Từ sàn diễn cải lương đến hát bội, hay nghệ thuật xiếc rất khó tìm được những người trẻ, có tài năng, chịu tham gia, theo đuổi các loại hình nghệ thuật khó làm nghề và khó sống này. Thế nên, vấn đề đội ngũ kế thừa đang là một trong những điều làm đau đầu những người làm công tác quản lý. Không chỉ vậy, với nhiều nghệ sĩ, dù hoạt động trong các nhà hát nhiều năm nhưng vẫn không được vào biên chế vì quy định và chỉ tiêu định biên của nhà nước giao cho từng nhà hát.