Giao nhận hàng cấm qua mạng xã hội
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu do Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tổ chức tại TPHCM, một số đại biểu quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh phía Nam phản ánh, dịch Covid-19 khiến nhiều đối tượng chuyển hướng sang buôn lậu, vận chuyển các thiết bị y tế qua biên giới Campuchia kiếm lời.
Theo Cục QLTT An Giang, đơn vị vừa thu giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia tiêu thụ. Khi bị bắt, các đối tượng khai nhận do chênh lệch giá bán cao nên đã gom hàng mang qua biên giới bán kiếm lời.
Đại diện Cục QLTT Kiên Giang cũng cho biết, đã bắt giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang được vận chuyển qua biên giới Campuchia (mức chênh lệch gian thương thu lợi lên tới 350.000 - 360.000 đồng/hộp).
Cụ thể, các đối tượng thu gom khẩu trang tại thị trường Việt Nam với giá khoảng 150.000 - 160.000 đồng/hộp bán qua Campuchia có giá khoảng 500.000 - 520.000 đồng/hộp. Cách nay vài ngày, Cục QLTT TPHCM đã phối hợp với Công an TP bắt giữ lô hàng khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang chuẩn bị xuất bán sang Campuchia, sau đó chuyển tiếp đi Trung Quốc.
Ông Triệu Anh Hùng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) chỉ ra rằng, gần đây xuất hiện tình trạng người nước ngoài (Indonesia, Singapore) vận chuyển hàng cấm, chủ yếu là ma túy tổng hợp… Ban đầu các đối tượng buôn bán chủ động làm quen bạn bè trên mạng xã hội để tạo các mối quan hệ thân thiết, sau đó nhờ gửi giùm hàng, thường là valy, túi xách tay trong đó có chứa ma túy. Người nhận hàng và người giao hàng không biết mặt nhau, chủ yếu qua trung gian là một người thứ ba. Khi họ bị bắt, khai ra người trung gian nhưng người này họ chỉ quen trên mạng.
Trước đây hàng cấm được người vận chuyển bên mình (bỏ trong balo đeo trên vai hoặc bó hàng trên người), nhưng thời gian gần đây, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ghi nhận phương thức vận chuyển thay đổi. Các đối tượng vận chuyển đóng ma túy vào trong valy hoặc thùng xốp, nhét ma túy vào các hộp đồ chơi trẻ em để ngụy trang đánh lừa máy soi chiếu ở các cửa khẩu. Có khi đối tượng thoa ớt bột bên ngoài các thùng đồ để chó nghiệp vụ không phát hiện ra…
Bà Phạm Thị Ngọc, quyền Cục trưởng Cục QLTT Bình Phước, phản ánh thêm, các chiêu trò mà những đối tượng buôn lậu sử dụng rất tinh vi. Chẳng hạn, trên hóa đơn đỏ bỏ trống ngày tháng năm để dễ xoay vòng hóa đơn; kho hàng vi phạm để ở các tỉnh khác… Thông tin thêm, về phía Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Đăng Mích, Phó Đội trưởng Đội 3 Cục Điều tra chống buôn lậu, cho biết, trong năm vừa qua, bắt giữ 3 vụ vận chuyển hàng hóa buôn lậu (máy lạnh, quần áo…) từ biên giới Campuchia vào sâu trong nội địa. Mới đây, Tổng cục Hải quan phối hợp QLTT Long An, Bộ đội Biên phòng Long An bắt giữ 13 xe vận chuyển phế liệu trái phép từ Campuchia vào Việt Nam…
Xử lý mạnh đối tượng bảo kê, vi phạm
Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhìn nhận, kết quả bắt giữ chưa đúng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay. Trong quá trình bắt giữ, cơ quan chức năng mới bắt được đối tượng vận chuyển, chưa bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, các đầu nậu lớn…
“Chúng tôi đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt các tuyến biên giới; xử lý thật mạnh đối tượng có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; tăng cường lực lượng bám nắm thông tin từ xa, nhất là tình hình ngoại biên để chủ động xác lập các chuyên án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời… Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị các lực lượng chuyên trách, các bộ ngành cần phối hợp thường xuyên, trao đổi thông tin về công tác đấu tranh, xử lý sai phạm…”, Đại tá Phan Thăng Long nói.
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tình hình tới, ông Nguyễn Đăng Mích, Phó Đội trưởng Đội 3 Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho hay, hải quan đã triển khai kế hoạch riêng kiểm sát hàng hóa chuyển mã vạch, chuyển khẩu từ TPHCM đi Campuchia. Trong năm 2019, đơn vị đã khởi tố một vụ việc hàng hóa bị rút ruột dọc đường trong quá trình vận chuyển 2 container từ nội địa lên cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước). Ông kiến nghị, các địa phương nên hỗ trợ lực lượng chuyên trách tạm giữ hàng vi phạm tại kho trên địa bàn. “Chúng tôi từng phải áp tải hàng hóa, phương tiện vi phạm từ các cửa khẩu về TPHCM nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đăng Mích cho biết.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (viết tắt C03), Bộ Công an, hiện tại pháp luật Việt Nam khá chồng chéo về công tác chống buôn lậu. Kế đến, lực lượng tham gia phối hợp chống buôn lậu thiếu sự liên kết chặt chẽ. Một cán bộ C03 nói thẳng, thực tế nhiều chuyên án C03 về các tỉnh nhưng không tham gia ngay với các lực lượng khác trước khi phá án. Chỉ khi phá án xong mới mời các lực lượng ra, vì nhiều vụ phối hợp ngay từ đầu bị lộ hết.
“Thực tế, đối tượng buôn lậu chỉ có từng đó người, các đồng chí biết hết, nhưng quan trọng có làm được hay không ? Các chuyên án lớn mà C03 làm một mình thì không sao, nếu có lực lượng phối hợp dễ xảy ra tình trạng có chỉ đạo từ tỉnh xuống, rất khó làm”, đại diện C03 nói.
Làm sao để bắt được các đầu nậu thay vì “cò con”? Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đề nghị: “Ngay trong lúc này, chúng ta phải làm quyết liệt việc chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vật tư y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiếp theo, các cơ quan chuyên ngành cần làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; chủ động xây dựng phương án đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm… Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê tội phạm buôn lậu”.