Quốc gia giàu nhất châu Âu đã tăng cường các mục tiêu năng lượng xanh và đạt hiệu quả một phần nhờ vào động lực của công chúng.
Biến đổi khí hậu được người dân Luxembourg xếp là vấn đề nghiêm trọng nhất thế giới vào năm 2019, trong một cuộc khảo sát trên toàn EU về quan điểm quốc gia. Để thực hiện, một hội đồng khí hậu của công dân mang tên Klima-Biergerrot (KBR) tập hợp 100 người sống và làm việc tại Luxembourg được thành lập năm 2022, với mục đích thảo luận về kế hoạch khí hậu hiện tại của đất nước.
Thủ tướng Xavier Bettel tuyên bố khi ra mắt hội đồng: “Đã đến lúc cho một dự án dân chủ sáng tạo chưa từng có để đưa xã hội đến bàn đàm phán chính sách khí hậu”. KBR đã ủng hộ các mục tiêu và giúp định hình kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia mạnh mẽ hơn. Dự thảo hiện đang mở để tham vấn công chúng cho đến ngày 16-5.
Đại công quốc Luxembourg có thể làm nhiều hơn để giảm lượng khí thải hay không, vẫn còn chờ thời gian trả lời, nhưng những cố gắng mới nhất đã mang lại kết quả nhất định. Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng là trọng tâm của các kế hoạch khí hậu cập nhật của Luxembourg. Gió, mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác được thiết lập chiếm 35%-37% thị phần năng lượng của đất nước vào năm 2030, tăng so với mục tiêu trước đó là 25%.
Theo phân tích của tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember, Luxembourg đã chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về thị phần gió so với bất kỳ quốc gia EU nào từ năm 2015 đến năm 2022. Chính phủ cũng đang tìm cách thắt chặt hiệu quả năng lượng, cắt giảm 44% nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Dựa trên phân tích của cổng thông tin thống kê chính phủ Statec, những thay đổi này sẽ dẫn đến việc cắt giảm 58% lượng khí thải, thay vì chỉ giảm 35% như kế hoạch.
Dự thảo kế hoạch cũng gồm loạt biện pháp môi trường khác. Một trong những đề xuất sáng tạo nhất trong số 197 đề xuất là đấu thầu cho thuê ô tô điện, mang lại lợi ích cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trước sự cần thiết của quá trình chuyển đổi công bằng, dự thảo kế hoạch cũng tăng thuế CO2, yêu cầu các công ty phát thải khí nhà kính vượt quá một giới hạn nhất định phải nộp thuế - một phần được phân bổ để giúp người nghèo thích nghi và một phần đầu tư vào các dự án năng lượng xanh. Kế hoạch khí hậu mới cập nhật cũng tìm cách loại bỏ dần việc sưởi ấm nhiên liệu hóa thạch thông qua cách tiếp cận tự nguyện.
Nếu quá chậm, sẽ chỉ cho phép lắp đặt hệ thống sưởi mới với tối thiểu 70% năng lượng tái tạo. Ở cấp địa phương, chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các thành phố đang thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trước Luxembourg, một số quốc gia châu Âu khác như Ireland, Pháp, Anh cũng cung cấp cho công dân của mình một nền tảng về các vấn đề khí hậu, tạo ra các hội đồng công dân để giúp định hình chính sách khí hậu.