Người mẹ trẻ này bị chồng bạo hành bất cứ khi nào anh ta muốn. Thậm chí có lần anh ta cố siết cổ vợ khi chị đang ngủ.
Ở Myanmar, theo cuộc khảo sát sức khỏe và dân số do Mỹ tài trợ cho thấy ít nhất 20% phụ nữ bị bạo hành. Con số này có thể thấp hơn thực tế vì nhiều trường hợp không được khai báo do không có luật cụ thể chống lại bạo lực gia đình. Luật chống bạo hành gia đình của Myanmar lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2013 và hiện vẫn trong giai đoạn soạn thảo, các điều khoản của luật vẫn đang tranh luận và sửa đổi. Các nhà hoạt động hy vọng Cơ quan phòng chống bạo lực quốc gia đầu tiên của chính phủ do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu sẽ giúp bảo vệ phụ nữ nhiều hơn trước tình trạng bạo hành gia đình ngày càng gia tăng. Xã hội Myanmar vốn bảo thủ và thượng tôn nam giới. Nước này lại do quân đội nắm quyền trong nửa thế kỷ cho đến khi bầu ra chính phủ dân sự hoàn toàn đầu tiên vào năm 2015. Cảnh sát địa phương thường phớt lờ các khiếu nại về bạo hành gia đình.
Các nhà hoạt động cho biết dự thảo luật chống bạo hành gia đình đã được văn phòng tổng chưởng lý phê duyệt và có khả năng sẽ thông qua, nhưng ngày tranh luận tại quốc hội chưa được ấn định. Theo dự thảo hiện tại, luật sẽ bao gồm các bảo đảm về dịch vụ cho những người sống sót sau bạo lực gia đình, như hỗ trợ pháp lý, y tế và tiếp cận các nơi trú ngụ an toàn.