Biết làm sao được, với sự biến đổi liên tục của các biến thể virus corona, không ai có thể nói trước được điều gì, huống hồ lên kế hoạch cho chuyến đi chơi. Nhưng Tết đến nhất định phải có cách gì đó để vui vẻ, để giúp người xung quanh và cho chính bản thân có năng lượng tích cực.
Năm qua 2021 có lẽ là thời gian quá dài và khắc nghiệt với rất nhiều người, khi hàng ngày chứng kiến những mất mát và tổn thương do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngay cả những người còn lại, may mắn không bị nhiễm virus, cũng phải đối diện với tình trạng cơ thể và tâm trí chịu những sức ép từ tình trạng giãn cách xã hội lâu ngày. Đã có nhiều người hỏi tôi, các nhà văn và nghệ sĩ sao không sáng tác về đề tài dịch Covid-19? Đấy là câu hỏi rất khó trả lời.
Tôi nghĩ đến những điều diễn ra ở Hà Nội, nơi mình đang sống, mà thực tế hai năm qua thời gian ở ngoài phố đã hạn chế hơn trước. Vài lần có việc phải đi ra phố giữa lúc giãn cách, tôi bàng hoàng khi nhìn thấy thành phố vắng lặng, hàng quán đóng hết, nhiều cửa hàng đề biển cho thuê lại. Những năm qua người ta hay ước ao Hà Nội đỡ đông đúc, thậm chí ca ngợi khung cảnh vắng lặng ngày Tết mới thực là Hà Nội. Nhưng giờ đây, cái vắng lặng này mới thực đáng sợ, gieo vào lòng người nỗi bất an trái ngược với những gì đã hình dung. Hóa ra chúng ta đã quá quen với sự đông đúc, náo nhiệt và đôi khi đã gắn bó với cả sự xô bồ mà không hay.
***
Ở Hà Nội, tôi hay tới quán phở và quán bún ốc của người quen. Tôi lo lắng tình hình dịch bệnh khiến các quán ăn phải đóng cửa lâu dài, không biết các chủ quán trụ được bao lâu. Cho dù họ ít chịu sức ép bằng các hàng quán kiểu trung cao cấp khi tiền thuê mặt bằng hoặc vốn bỏ vào lớn, việc bán hàng bữa đực bữa cái cũng không thể duy trì mãi được. Biện pháp cho vào cặp lồng hay túi nylon mang về không phải điều các chủ quán muốn, vì phẩm chất món ăn không bằng ngồi tại chỗ. Tôi cũng lo lắng một chút về bản đồ ẩm thực của mình, chẳng biết cái thế giới rộn ràng đã thành thương hiệu của Hà Nội rồi sẽ thế nào sau đợt dịch này. Mặc dù nấu ăn ở nhà thường xuyên, nhưng tôi vẫn nhớ không khí sôi nổi của đường phố, của mùi vị và tiếng đũa bát lanh canh xen lẫn tiếng người qua lại, cái thứ âm thanh phố xá có một năng lượng vô hình bên cạnh năng lượng từ các chất bổ béo trong bát phở hay bát bún kia.
Cảm giác mình thuộc về không gian và cộng đồng quen là thứ khiến ta khó thoát ra được. Nó được định nghĩa bằng ngôn ngữ, nếp nghĩ, tập quán sinh hoạt, các thể chế xã hội…, đặc biệt ở một thành phố có bề dày lịch sử như Hà Nội. Nó dễ khiến ta đau khổ, thất vọng và thậm chí phẫn uất trước những hiện tượng ngang trái trong cộng đồng. Những lời oán giận của đại chúng trước các chính sách dịch tễ bất nhất, thậm chí những sự trục lợi trong thời gian qua, còn là sự tổn thương sâu sắc ở mỗi cư dân khi sự kỳ vọng không được đáp ứng. Nó còn là câu chuyện về tư duy quản lý?
***
Một người bạn cũ đã không còn ở Hà Nội, nói rằng muốn thoát khỏi ảnh hưởng của lối tư duy Việt Nam mà theo anh là có thể không có lợi cho sự nghiệp, nhất thiết phải thoát ly ngôn ngữ. Anh cho rằng cần thạo những ngôn ngữ của khoa học, triết học và nghệ thuật kinh điển phương Tây, những thứ có khả năng mở ra những chân trời rộng hơn, nhất là khi tuổi đời còn trẻ. Nhưng một cô bạn khác, cũng đã trở thành nhà nghiên cứu sống tại nước ngoài, cho rằng tại sao lại phải thoát ly những di sản nguồn cội như ngôn ngữ. Nó là di sản không phải ai cũng có, và cuộc đời thì ngắn ngủi mà xóa đi mà làm lại từ đầu những trải nghiệm cơ bản. Cô cho rằng bất kể hay dở, lịch sử văn hóa và xã hội Việt Nam cũng hàm chứa một đặc trưng tiêu biểu cho sự phát triển. Can dự được vào sự phát triển ấy mới chính là thước đo cho sự thành công.
Tôi cảm thấy hai người bạn Hà Nội cũ của mình đều có những ý đúng. Mỗi nơi chốn đều trang bị cho con người một hành trang để đi vào đời, và nhiều khi phải thay đổi mới đi tiếp được. Dĩ nhiên, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người bạn lần lượt rời đi, và mình như người còn lại trên bàn ăn Hà Nội, nhấm nháp dư vị quá khứ. Nhưng tôi cũng nhận ra giống như cuộc sống giữa thời Covid-19, người mới lại đến, lại vẫn tìm kiếm một sự trang bị từ chính không gian văn hóa này. Người Hà Nội đã quen ăn nhà hàng và dạo chơi trong các trung tâm thương mại, những hình thức bán hàng trực tuyến và giao đồ tại nhà đã gắn với đời sống cư dân, đến độ những thuật ngữ tiếng Anh của việc đặt hàng thay thế luôn từ tương đương tiếng Việt. Hà Nội của lối giao tiếp hàng quán cũ như thể lùi vào hậu trường.
Một mùa xuân mới lại đến, đường phố ấm lên vì những rừng hoa đào bắt đầu di chuyển trên đường phố, trên những chuyến xe và những khu chợ. Hà Nội hóa ra không phải vắng lặng mới là Hà Nội, mà Hà Nội là Hà Nội vì cảm giác được tắm mình trong nếp sống quen thuộc. Ít nhất mua hoa đào vẫn phải mua trực tiếp và ngoại tuyến, cũng như nồi nước lá mùi xông ngày ba mươi Tết không thể “online” được. Cảm giác dễ chịu đem lại có lẽ không thể phủ nhận. Đó vẫn là niềm vui của việc sống ở Hà Nội, giữa muôn trùng điều ngổn ngang trong đời này.