* Bà NGUYỄN THÚY ANH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Một số địa phương cũng đã bàn kế hoạch này
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đã có nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19, đó là nghi thức tưởng niệm mang tính quốc gia. Quốc hội đã chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu.
Đồng thời bày tỏ sự tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi biết một số địa phương cũng đã bàn tính kế hoạch này. Còn về một lễ tưởng niệm quốc gia đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ bàn bạc kỹ lưỡng thêm.
* Ông VŨ TRỌNG KIM, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam: Phải làm thật trang trọng vào thời điểm thích hợp
Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc rất nên làm, đến thời điểm thích hợp nào đó chúng ta sẽ phải làm thật trang trọng. Thời điểm này chúng ta vẫn đang phải vừa lo phòng chống dịch, vừa lo phục hồi kinh tế nên có thể chưa nên làm ngay. Theo tôi, cần bàn thảo kỹ để chọn một thời điểm thích hợp, với một cách làm phù hợp nhất.
Tôi cũng cho rằng, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc phải được tổ chức đúng tính chất là một nghi lễ trọng thể, đầy tính nhân văn, giáo dục, là dịp để đồng bào tưởng nhớ về người thân của mình và động viên tinh thần những người còn sống, giúp họ sớm vượt qua những tổn thương để quay lại cuộc sống “bình thường mới”. Đặc biệt, là để tri ân sự cống hiến và hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là một sự nhắc nhở để chúng ta sống tích cực hơn, có trách nhiệm với cộng đồng hơn.
* PGS-TS TRẦN ĐÌNH BÌNH, Trường ĐH Y Dược (Đại học Huế): Có thể chọn ngày 27-4
Tôi cho rằng, cần chọn một ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Theo tôi, có thể chọn ngày 27-4, ngày bắt đầu của làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tôi nghĩ, ngành y tế, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan cùng phối hợp, tổ chức thực hiện, góp phần nhắc nhớ về một sự kiện đáng nhớ, đáng quên và đáng học tập, gìn giữ tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ, che chở nhau của người Việt Nam trong bất cứ sự kiện nào.
Tôi muốn chọn ngày 27-4 làm ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, vì sao? Vừa tưởng niệm nhưng cũng để nhắc nhớ về sự lơ là của chúng ta. Đau nhưng phải nhớ!