Qua 3 năm nghiên cứu, ông Thứ đã đánh giá được tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển hóa thức ăn của đàn cá con thế hệ F2 so với quần đàn thế hệ F1 thông qua phương pháp chọn lọc hàng loạt.
Qua đó, xác định được mức độ chọn lọc 12% góp phần nâng cao tăng trưởng thế hệ sau 4,85% ở đàn cá F2 có nguồn gốc từ cá tự nhiên tại Hậu Giang và 5,35% ở đàn cá thế hệ F2 có nguồn gốc từ cá tự nhiên ở Đồng Tháp. Hệ số di truyền thực tế ở F2 là 0,22 đối với cá thát lát còm tại Hậu Giang và 0,23 cá thát lát còm ở Đồng Tháp.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về chọn giống trên cá thát lát còm. Đề tài đã cung cấp những thông số cơ bản về hệ số di truyền thực tế, phản ứng chọn lọc để làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về di truyền và chọn giống trên đối tượng này.
Kết quả, đề tài đã xây dựng quy trình tuyển chọn cá bố mẹ, quy trình sản xuất giống; cung cấp 1.000 con cá bố mẹ đã qua chọn tạo cho Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang để sản xuất ra con giống chất lượng; góp phần tăng năng suất vụ nuôi từ việc cung cấp đàn giống có chất lượng (tăng trọng nhanh, khỏe mạnh), từ đó giúp tăng thu nhập cho người nuôi, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn.