Bộ GD-ĐT đã thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK với thành viên gồm đủ các thành phần: nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục và giáo viên có kinh nghiệm, uy tín, trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Thành viên Hội đồng quốc gia có 15 ngày nghiên cứu độc lập bản mẫu SGK trước khi làm việc tập trung để thảo luận, nghe tác giả báo cáo, thuyết minh về bản mẫu và công bố kết quả đánh giá của hội đồng cho tác giả, nhà xuất bản để tiếp thu, chỉnh sửa.
Các hội đồng thẩm định cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý bản mẫu SGK của đại diện giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục trên cả nước; chuyên gia, giảng viên các trường đại học sư phạm. Các ý kiến góp ý được Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát và cung cấp để Hội đồng thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa.
Thời điểm dư luận phản ánh về việc SGK lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, một trong những bất cập được chỉ ra là thời gian thực nghiệm sách ngắn; trong quá trình thẩm định, các bản thảo không được công khai để lấy ý kiến góp ý đông đảo giáo viên.
Hiện nay, bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 đã được đưa lên website của các nhà xuất bản và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu để có cơ sở đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn SGK. Để hoạt động này đạt hiệu quả, các đơn vị của Bộ GD-ĐT sẽ bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.
Hiện các địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK và tập huấn cho giáo viên. Từ năm học 2021-2022, UBND các tỉnh, thành sẽ quyết định việc lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Điều khiến nhiều phụ huynh và giáo viên quan tâm lúc này là việc chọn SGK làm sao để bảo đảm lựa chọn được bộ sách chất lượng nhất, có tính ổn định, tránh tình trạng lùm xùm như bộ sách Cánh diều.
Nếu chọn không chính xác sẽ xảy ra việc năm trước vừa chọn được sách nhưng năm sau lại thay đổi, gây xáo trộn, lãng phí vì không tái sử dụng được sách cũ, làm giảm sút niềm tin của người học, của xã hội. Mặt khác, việc chọn sách phải có tính chuyển tiếp và kế thừa để việc chọn SGK dù của UBND cấp tỉnh cũng sẽ không phủ nhận việc chọn SGK của cấp trường trước đó, đảm bảo SGK được dùng ổn định, không bị xáo trộn.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc SGK Cánh diều, điều quan trọng nhất mà xã hội quan tâm, đó là việc lựa chọn SGK làm sao đảm bảo công tâm, công bằng, minh bạch để học sinh được học những bộ sách chất lượng nhất. Dù chọn SGK là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn kỹ. Nếu Bộ GD-ĐT không giám sát chặt chẽ hoạt động này, thậm chí buông lỏng thì việc triển khai SGK mới không thể hiệu quả. Nói cách khác, dù SGK theo chương trình mới được xã hội hóa nhưng công tác quản lý nhà nước đối với SGK không thể buông lỏng.
Chúng ta tạo điều kiện cho xã hội hóa SGK nhưng phải giám sát chặt chẽ từ việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định, lựa chọn tới in ấn, cung ứng, giá thành SGK, bảo đảm không để xảy ra sai sót như SGK lớp 1 trước đó. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng phải kiên quyết xử lý trách nhiệm những người đã để xảy ra sai sót trong vụ việc SGK Cánh diều để “răn đe” cho việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 và bảo đảm lựa chọn sách phải tránh lợi ích nhóm, tránh việc hời hợt, làm cho xong.