Từ năm học 2021-2022 trở đi, nhiệm vụ chọn sách sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng không làm xáo trộn công tác dạy và học là mấy vì nội dung kiến thức truyền tải giữa các bộ SGK chênh lệch không đáng kể.
Trao quyền chủ động cho giáo viên
Là một trong những giáo viên cốt cán của khối 1, được Phòng GD-ĐT quận Tân Phú chọn để dạy thử nghiệm chương trình GDPT mới, cô Nguyễn Thị Bích Duyên cho biết hiệu quả tiếp nhận của học sinh khối 1 khi tiếp cận chương trình GDPT mới rất tốt. Theo đó, chương trình mới không đặt nặng mục tiêu truyền thụ kiến thức mà còn tích hợp dạy kỹ năng, liên hệ kiến thức với đời sống thực tiễn, giúp học sinh dễ hiểu bài và nhớ lâu kiến thức.
Đồng quan điểm, giáo viên phụ trách khối 1 của một trường tiểu học ở quận Tân Bình đánh giá nhiều nội dung kiến thức trong chương trình GDPT mới đã được “mềm hóa” hơn so với chương trình GDPT hiện hành, phù hợp với tâm lý độ tuổi học sinh vừa chuyển cấp từ bậc mầm non - vốn có nhiều hoạt động vui chơi hơn học tập.
Nhiều giáo viên cũng cho biết, không có độ chênh quá lớn về nội dung kiến thức giữa các bộ SGK, do đó, dù trường chọn bộ sách nào cũng không ảnh hưởng nhiều đến bài soạn giáo án của giáo viên.
“Khác biệt lớn nhất mà tôi nhìn thấy là hình thức trình bày sách, một số yếu tố như bố cục, màu sắc, tranh vẽ khác nhau giữa các bộ sách, từ đó có thể dẫn đến hiệu quả tiếp nhận của học sinh khác nhau”, giáo viên một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ.
Theo ông Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp), nếu được giao quyền chọn sách, nhà trường tự tin sẽ làm tốt. Cụ thể, nhà trường sẽ họp hội đồng khoa học, lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh và học sinh, sau đó mới lựa chọn SGK phù hợp.
Cũng theo nhà giáo này, thuận lợi chung của các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM khi triển khai chương trình GDPT mới là nhiều năm qua đã sử dụng các bộ tài liệu dạy học, vở bài tập do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn, nên sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp cận bộ SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP biên soạn và phát hành. Tuy nhiên, hiệu trưởng này cho rằng, sau khi các trường hoàn thành khâu chọn sách, đơn vị phát hành cần đảm bảo nguồn sách dồi dào để cung cấp cho học sinh ngay từ đầu năm học, tránh ảnh hưởng thời gian học tập của các em.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định tất cả 5 bộ sách đều được Bộ GD-ĐT thẩm định và thông qua, chuyển tải cùng nội dung chương trình GDPT mới, nên ngữ liệu có thể khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu giáo dục chung là năng lực và phẩm chất cho người học. Vì vậy, giáo viên hoàn toàn chủ động trong sử dụng tài liệu dạy học.
Cần đổi mới phương pháp dạy học
Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK phù hợp xu hướng giáo dục trên thế giới. Trong đó, cả người dạy lẫn người học đều được trao quyền chủ động, giúp chất lượng giảng dạy tốt hơn.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), để chương trình mới triển khai hiệu quả, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cần nhất quán với mục tiêu đề ra trong lựa chọn tài liệu dạy học.
Cụ thể, nếu chương trình hướng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học thì việc kiểm tra, đánh giá cũng phải tập trung mục tiêu đó, trong đó tỷ lệ các hoạt động giáo dục phải tăng lên đáng kể, đặc biệt ở các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn…
Ở góc độ khác, theo TS Nguyễn Văn Cường, chuyên gia cố vấn xây dựng SGK, ngoài việc chọn sách, phương pháp dạy học của giáo viên cần thay đổi. Trong đó, phương pháp giảng dạy không còn chủ đạo là truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà phải tổ chức nhiều tình huống hoạt động giúp học sinh lĩnh hội kiến thức thông qua hoạt động, tăng cường vận dụng kiến thức vào giải quyết các bài tập có liên quan tình huống diễn ra trong thực tiễn.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, giao quyền chủ động chọn sách về cho các trường phổ thông một mặt không tạo ra thế độc quyền đối với các nhà xuất bản, mặt khác giúp các tác giả và nhà xuất bản ý thức được việc tự làm mới sách của mình, đáp ứng tính thời sự, tính vùng miền nhưng vẫn đảm bảo khung chương trình chuẩn.
Để tránh điều tiếng về lợi ích nhóm, các trường cần thành lập hội đồng chọn sách công khai gồm ban giám hiệu, giáo viên khối 1, đại diện phụ huynh, học sinh để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đưa ra lựa chọn sách phù hợp đối tượng học sinh |
Tuy nhiên, cơ quan quản lý không nên chỉ tập trung tập huấn giáo viên dạy chương trình GDPT mới, mà cần tập huấn cho giáo viên cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục trên lớp, qua đó giúp hình thành kỹ năng cho trẻ, lấy người học làm trung tâm.