Nhiều thương vụ trăm triệu USD
Công ty CP Đầu tư TTCapital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu vừa ra mắt liên doanh hợp tác dài hạn trong việc phát triển các dự án BĐS vừa túi tiền tại Việt Nam. Liên doanh dự kiến sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền. Trong đó, liên doanh TTCapital cùng 2 đối tác sẽ chung tay thực hiện dự án BĐS tại TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với quy mô dự án khoảng 2.000 căn hộ (diện tích khoảng 50-60m2/căn, giá dưới 35 triệu đồng/m2, tương đương dưới 2 tỷ đồng/căn). Liên doanh đã hoàn tất việc góp vốn cho dự án đầu tiên trong tháng 11-2023. Theo đại diện liên doanh, dự án đầu tiên này đang được làm thủ tục cần thiết để có thể ra mắt thị trường vào giữa năm 2024.
Là đối tác đến từ Singapore, Tập đoàn Surbana Jurong ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do Kim Oanh làm chủ đầu tư. Keppel Land (Singapore) cho biết, họ đã thông qua công ty con VN Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại một doanh nghiệp sở hữu BĐS bán lẻ tại Hà Nội. Trong khi đó, Hưng Thịnh bắt tay với Marubeni - tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản để hợp tác phát triển một dự án tọa lạc tại TP Thủ Đức (TPHCM), với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Hay hồi cuối tháng 7-2023, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) thông qua công ty con Gamuda Land ký thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty CP BĐS Tâm Lực với giá trị đạt 305 triệu USD, qua đó trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68ha tại TP Thủ Đức. Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án hỗn hợp cao tầng, gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.
Theo số liệu từ KPMG (một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam), giá trị thương vụ lớn nhất ghi nhận đến nay là 1,45 tỷ USD. Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, đánh giá, giai đoạn trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường đòi hỏi pháp lý phải hoàn hảo, nhưng gần đây, cùng với việc bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra mức giá phù hợp và cam kết chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nên có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mức rủi ro nhất định.
Sẽ bùng nổ
Tuy còn nhiều thách thức nhưng các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Bởi lẽ, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho các dự án BĐS đã được ban hành, bên cạnh nhiều giải pháp tích cực khác mà Chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những quy định mới sẽ giúp tạo giải pháp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, dự báo, sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 vì nhiều hợp đồng đã và đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển. Trong khi đó, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, đánh giá, nền kinh tế ổn định với dân số đông, sự phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, các khoản đầu tư dồi dào từ nước ngoài và tầng lớp trung lưu đang là cơ hội đầy tiềm năng, dự báo hoạt động M&A thị trường BĐS sẽ bùng nổ trong những năm tới. Trong đó, hầu hết các khoản đầu tư sẽ đến từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TPHCM, Công ty Chứng khoán DSC, cũng nhìn nhận, hoạt động M&A sẽ diễn ra sôi động hơn trong năm 2024. Chu kỳ kinh tế nào cũng vậy, trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục kinh tế, khi bên mua ổn định dần về tiềm lực, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái khó khăn, hoạt động M&A sẽ rất sôi động. Chính vì vậy, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ được diễn ra trong giai đoạn tới. Đó là những gì đã được chứng kiến trong giai đoạn 2014-2016. Ở thời điểm đó, dòng tiền lớn tập trung chủ yếu ở thị trường M&A, điều này có thể khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán thứ cấp bớt sôi động, nhưng là nền tảng cho đà phục hồi của nền kinh tế và tăng trưởng của thị trường chứng khoán sau đó.
Các chuyên gia dự báo, BĐS công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới bởi được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do. Cụ thể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng cường hoạt động giao thương tại thị trường Việt Nam để được hưởng lợi từ những ưu đãi về thuế quan. Trong đà này sẽ có nhiều nhà đầu tư chú ý đến phân khúc thị trường BĐS công nghiệp, do đó dự báo hoạt động M&A thị trường này sẽ đặc biệt sôi động. Điều này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng mở rộng nhanh chóng thị trường nhờ sử dụng kinh nghiệm và mạng lưới mà đối tác địa phương cung cấp.