Chặt chẽ, thận trọng
PHÓNG VIÊN: Đồng chí có thể đánh giá đôi nét về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII?
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM NGUYỄN HỒ HẢI: Để chuẩn bị nhân sự Thành ủy TPHCM và cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy, những năm qua, định kỳ hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy nhiệm kỳ 2025-2030, các chức danh lãnh đạo, quản lý của thành phố nhiệm kỳ tới.
Hiện nay, nguồn quy hoạch Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2025-2030 có 79 đồng chí, quy hoạch Ban Thường vụ Thành ủy có 20 đồng chí. Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ; thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ định kỳ hàng năm. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét, giới thiệu cán bộ bổ sung vào hoặc đưa ra khỏi danh sách quy hoạch Thành ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý của thành phố gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí tiếp cận chức danh để thử thách, rèn luyện và đánh giá cán bộ.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 377 của Thành ủy TPHCM đã đặt ra những yếu tố mới nào đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải lồng ghép trong triển khai thực hiện về công tác cán bộ, thưa đồng chí?
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị đã cơ bản kế thừa các yêu cầu trong Chỉ thị Đại hội Đảng bộ các cấp một số nhiệm kỳ gần đây cũng như quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, các quy định của Đảng có liên quan.
Một số điểm mới của Chỉ thị 35 đặt ra là bổ sung, cụ thể hóa quy định về thời gian giữ chức vụ đối với cán bộ được giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn theo Quy định 80 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Bổ sung, điều chỉnh quy định về tái cử chức danh lãnh đạo chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.
Về quy trình nhân sự, khác với nhiệm kỳ 2020-2025, việc thực hiện quy trình nhân sự tái cử có 2 bước, rút 3 bước so với nhiệm kỳ trước và quy trình nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy có 5 bước, trong đó bổ sung mới nội dung quy định cụ thể về nguyên tắc lựa chọn và tỷ lệ số dư ở mỗi bước.
Trình tự thực hiện đối với các đồng chí tái cử trước, sau đó là các đồng chí tham gia lần đầu; các ứng viên lần đầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM bắt buộc trong quy hoạch, không có ngoại lệ. Trước khi thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự, công tác thẩm tra hồ sơ của tất cả ứng viên phải được thực hiện chặt chẽ, thận trọng.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo Thành ủy TP Thủ Đức, quận, huyện ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở phải đồng thời lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hình thành các “tấm khiên” để bảo vệ cán bộ làm đúng
TPHCM tổ chức các kênh giám sát ra sao để việc triển khai bố trí, quy hoạch cán bộ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, tạo được sự đồng thuận của tập thể?
Công tác lựa chọn, đánh giá cán bộ luôn được thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng bộ, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thường xuyên chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền chủ động rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng tiêu chuẩn, điều kiện, kê khai tài sản, thu nhập, thông tin, trách nhiệm của nhân sự liên quan đến các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hoặc vụ án, vụ việc của cơ quan chức năng đã xem xét, kết luận và kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo... suốt quá trình chuẩn bị cho công tác nhân sự, đồng thời sàng lọc để không sử dụng thông tin giả, không phải của cơ quan có thẩm quyền, thông tin dư luận xấu chưa được kiểm chứng liên quan đến nhân sự và công tác chuẩn bị nhân sự.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể nói thành phố đủ tự tin thực hiện các trọng trách mà Trung ương kỳ vọng ở TPHCM, thưa đồng chí?
Tôi lấy 1 ví dụ để trả lời câu hỏi này. Đó là sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, UBND TPHCM đã giao các sở, ngành thực hiện 55 nhiệm vụ (trình HĐND TPHCM 30 nhiệm vụ; trình UBND TPHCM 25 nhiệm vụ). Đến hết tháng 8-2024, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM ban hành 37 nghị quyết triển khai 18/30 nhiệm vụ; đã hoàn thành 11/25 nhiệm vụ.
Điều đó chứng tỏ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của thành phố rất tập trung để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sẽ kịp thời nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Qua đó tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên không ngừng đổi mới, sáng tạo và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của TPHCM, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đến nay, TPHCM đã có giải pháp gì để bảo vệ cán bộ, giúp cán bộ năng động, sáng tạo hơn nữa nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên hãy làm đúng và làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Ban Thường vụ Thành ủy luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ và làm chỗ dựa cho những cán bộ tâm huyết, nỗ lực vì lợi ích chung, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trên từng lĩnh vực mà thành phố đang đối mặt.
Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy, cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp, quy trình để thông qua các đề xuất, sáng kiến, giải pháp do cán bộ đề xuất cũng như xây dựng, hình thành nên các “tấm khiên” để bảo vệ cán bộ làm đúng, làm trúng, mạnh dạn, quyết liệt…
Hiện nay, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét “Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị”.
Ban Nội chính Thành ủy đang xây dựng chuyên đề “Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ”...
Nhìn chung, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong đơn vị mình để Kết luận 14 thực sự là niềm tin, là chỗ dựa cho cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên hãy làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Từng bản thân cán bộ, công chức phải lấy chất lượng, hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân là mục tiêu; chủ động tìm tòi, tìm ra vấn đề vướng mắc trong công việc để đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Việc đưa tiêu chí mạnh dạn đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn vào việc đánh giá cán bộ hàng năm, cán bộ trình bày chương trình hành động trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đã phần nào hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Và hơn hết là chúng ta cần phải lượng hóa được tất cả các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hàng năm để từ đó đánh giá cán bộ thực chất, toàn diện.