Đòi hỏi người hội tụ tài - đức
Gửi gắm một ứng cử viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội nghị cử tri nơi cư trú, một cử tri ở quận 7 nói, chọn ĐB phải chọn người tài đức. Các ứng viên bây giờ ai cũng có trình độ rất cao, vấn đề là phải chọn người nào thật sự tâm huyết, thực sự đại diện cho tiếng nói người dân.
Thực chất, đòi hỏi chính đáng này của cử tri đã được đặt ra ngay từ buổi đầu nước Việt Nam dựng xây nền dân chủ. Trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…”.
Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề tài - đức phải song song, mà quan trọng nhất, cái gốc vẫn là đức.
Có thời gian dài làm ĐBQH, các ĐB cũng đặt ra những tiêu chuẩn, tố chất mà người ĐB cần hướng tới. Bởi lẽ, người dân đòi hỏi người cán bộ liêm chính, cần kiệm, không xài phung phí của công, không lấy của công làm của tư; đồng thời phải có dũng khí, tư duy, phương pháp phòng chống tham nhũng. Bên cạnh bản lĩnh, người ĐB cũng phải kiên trì đeo bám những vấn đề mình thấy đúng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, khi trở thành ĐBQH, đòi hỏi ĐB phải có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh. Trong đó, cái cần nhất là đạo đức, bản lĩnh. Bởi lẽ, trí tuệ có thể học hỏi, bồi đắp từng ngày, còn đạo đức, bản lĩnh thì không ai thay được. ĐB phải gương mẫu, phải có bản lĩnh mới dám nói, dám làm để phản ánh trung thực ý kiến của cử tri và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri.
Nhiều ĐB, như bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ĐBQH khóa VII, VIII, IX cũng đề cao cái tâm, cho rằng ĐB cần có tấm lòng vì dân, vì nước, biết quan tâm đến người xung quanh chứ không chỉ biết vun vén, gom góp về cho gia đình, cho bản thân mình. ĐB cũng cần nhiệt tình và có niềm tin sắt đá rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực thực sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước; phải có kiến thức và phải cố gắng tìm hiểu thêm tâm tư nguyện vọng của người dân. Đồng thời, ĐB phải dũng cảm đưa ra thảo luận tại Quốc hội các chính sách có lợi nhất cho người dân, cho xã hội và cho đất nước.
Trước khi bầu cử, cử tri cùng ĐB đều có những hình dung rõ ràng về “chân dung của người đại diện cho dân”. Vậy làm thế nào để có thể trở thành người đại diện tốt?
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH 6 khóa liên tiếp (từ khóa VI đến khóa XI), làm bất cứ công việc gì cũng phải qua đào tạo. Riêng làm ĐBQH không có trường nào đào tạo mà chỉ tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. Cho nên, khi đã trúng cử, ĐB phải xác định trách nhiệm của mình trước nhân dân, xác định mình không chỉ đại diện cho cơ quan, đơn vị nơi bầu ra mình mà đại diện cho nhân dân cả nước. Điều này đòi hỏi, ĐBQH phải am hiểu tình hình đời sống của nhân dân, cử tri nơi mình ứng cử, cũng như có kiến thức hiểu biết tình hình chung của đất nước. Đặc biệt, bà Hoài Thu nhấn mạnh ĐBQH phải đi, phải nghe, phải nói và phải viết. Bởi, ĐBQH không đi sâu sát sẽ không có thông tin, khi đi phải nghe người ta nói, phải viết được chứ không để người khác viết rồi mình đọc và phải phát biểu. Trong phát biểu phải lựa chọn vấn đề và phát biểu có chất lượng.
Tự học tập, rèn luyện để hoàn thiện mình, đóng góp được nhiều hơn trong vai trò đại biểu của dân cũng chính là bài học mà nhiều ĐB rút ra. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH khóa XIII, XIV cũng đề cao cái tâm, cái đức của người ĐB, còn cái tài theo ông chính là trình độ, sự hiểu biết. Những điều này đòi hỏi ĐB luôn học tập, rèn luyện không ngừng. “Chính điều đó sẽ giúp chúng ta có điều kiện đóng góp đầy đủ, sâu sắc, khoa học hơn để hoàn thiện hệ thống luật pháp”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
Cử tri tìm hiểu kỹ để chọn người tài đức Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIII Huỳnh Thành Lập cho rằng, để chọn được ĐB có phẩm chất tốt, trước hết cử tri cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin về ứng viên, về tiểu sử, quá trình công tác, phấn đấu, soi rọi vào các tiêu chuẩn ĐB đã được quy định. Các tiêu chuẩn của ĐBQH được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, tiêu chuẩn ĐB HĐND các cấp được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất đạo đức, các ĐB còn phải có liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. |
Khi nào thì tiến hành vận động bầu cử? MẠNH HÒA ghi |