Viện này là đơn vị cuối cùng trong 7 địa phương, đơn vị tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022 theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM. Theo UBND TPHCM, trong năm 2022, 7 đơn vị được thành phố chọn thí điểm mô hình trên, đã chọn được 13 vị trí lãnh đạo, quản lý.
Trên cơ sở kết quả thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022, mới đây Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, xin ý kiến chủ trương tiếp tục thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng và tương đương trong năm 2023-2024. Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức cũng như tạo môi trường cạnh tranh thật sự lành mạnh. Việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý các cấp đã khắc phục tâm lý ngại khó khăn, thiếu chủ động, cục bộ, khép kín trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Trước đó, UBND TPHCM cũng đã quyết định sửa đổi, bổ sung Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, bổ sung thêm quy định: Trường hợp đặc biệt cần thiết bổ sung đối tượng cán bộ, công chức, viên chức ngoài phạm vi TPHCM quản lý, thì cơ quan đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM xem xét, quyết định. Đây cũng là sự đột phá trong nỗ lực tìm người tài của TPHCM.
TPHCM là một trong 22 tỉnh thành cùng với 14 cơ quan Trung ương được chọn để thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sau 3 năm thực hiện, Bộ Nội vụ đã sơ kết và đánh giá hầu hết các tỉnh thành, các cơ quan Trung ương thực hiện thí điểm đều thống nhất cao với việc thi tuyển công chức lãnh đạo, đây được coi là giải pháp cho nền hành chính hiện đại, khắc phục hiệu quả những nhược điểm của của công tác bổ nhiệm hiện nay… Đơn cử tại TPHCM, chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM thu hút tới 25 người đăng ký tham gia thi tuyển. Tỷ lệ “chọi” cao, các ứng viên chất lượng, cho thấy chủ trương này đã bước đầu tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Với bác sĩ Lê Anh Tuấn, từ chức danh Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM tham gia thi và trúng tuyển vào vị trí Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cũng cho thấy nét mới của ngành y tế thành phố, khi lần đầu tiên có mô hình giám đốc bệnh viện chuyên khoa không đòi hỏi phải có cùng chuyên khoa sâu của bệnh viện.
Việc thi tuyển để chọn lãnh đạo, quản lý giỏi không phải vấn đề mới, nhưng cách làm mang tính đột phá trong công tác tuyển lãnh đạo giỏi, là tín hiệu đáng mừng, đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Dư luận hoan nghênh và hy vọng rằng, khi áp dụng hình thức thi tuyển này, sẽ giải quyết căn cơ nạn “chạy chức, chạy quyền”, lấy lại niềm tin của dân về công tác cán bộ.
Thu hút người tài đã khó, song khi có người tài, phải có chính sách đãi ngộ giữ chân người tài. Với Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng như Đề án 01 của Ban Thường vụ Thành ủy về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TPHCM giai đoạn 2020-2035, thành phố có đủ các cơ chế để tìm và giữ chân người tài, cùng đóng góp xây dựng thành phố phát triển.