Nếu định hướng sai hoặc chưa phù hợp, các em phải vất vả hơn, lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí thất bại. Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia góp phần tham khảo để chọn ngành nghề, định hướng tương lai.
Nhu cầu nguồn nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng rất lớn
Nhu cầu nguồn nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng của các doanh nghiệp tại TPHCM hiện rất lớn. Giai đoạn 2019-2025, mỗi năm thành phố cần 300.000 chỗ làm, trình độ trung cấp chiếm cao nhất với 28%, tỷ lệ học viên hệ giáo dục nghề nghiệp có việc làm sau khi ra trường gần 90%. Do đó, học sinh THCS và THPT cần xác định thật rõ về đam mê, sở thích của bản thân. Nếu các em lựa chọn ngành nghề theo bạn bè, theo ngành nghề hot, kiếm được nhiều tiền, có thể sẽ sinh ra hệ lụy. Hệ lụy lớn nhất là các em không có tính cạnh tranh về nghề nghiệp, không xây dựng lộ trình, ước muốn khi ra trường. Các em cần phải nhìn vào chính thực lực của mình, tham khảo từ ba mẹ, thầy cô để có sự hỗ trợ.
* Ông Lưu Hồng Uyên , Trưởng phòng GD-ĐT quận 6, TPHCM:
Học nghề - lối rẽ ngày càng được chọn nhiều
Hiện trên địa bàn quận 6 có 10 trường THCS, hàng năm có khoảng 4.000 học sinh lớp 9. Bình quân 10% học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề. Kết thúc kỳ thi hệ THPT và thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia, có thêm gần 10% học sinh rẽ sang học nghề. Sở dĩ có được kết quả đó là vì quận 6 rất coi trọng việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp. Phòng GD-ĐT quận 6 đã hướng dẫn hiệu trưởng từng trường và giáo viên chủ nhiệm lớp 9, lớp 12 định hướng, tư vấn cho các em. Học sinh nào không có khả năng thi vào lớp 10 hoặc thi tốt nghiệp THPT, gia đình khó khăn, muốn học để sớm có nghề nghiệp thì nên hướng đi học nghề. Số phụ huynh đồng ý cho con đi học nghề ngày càng nhiều hơn, do các em vừa được miễn phí học nghề, vừa được hội khuyến học của phường hỗ trợ chi phí.
* TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM:
Đặt ưu tiên cơ hội việc làm khi tốt nghiệp
Năm 2020, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM tuyển sinh 2.010 chỉ tiêu (trung cấp 750 chỉ tiêu, cao đẳng 1.260 chỉ tiêu). Nhà trường có sự điều chỉnh số lượng các ngành nghề do cân nhắc nhu cầu thị trường lao động. Những ngành trường sẽ tuyển nhiều chỉ tiêu là: Điện công nghiệp và dân dụng, Quản trị kinh doanh, Tin học, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật ô tô...Ngoài ra, năm 2020, trường đào tạo thêm 6 ngành mới gồm: Logistics, Công nghệ kỹ thuật nhiệt (điện lạnh), Công nghệ kỹ thuật môi trường, Điện tử công nghiệp, Bảo trì - sửa chữa khung vỏ ô tô, Bảo trì - sửa chữa thiết bị cơ khí. Bên cạnh Logistics đang rất khát nhân lực có chuyên môn và kỹ năng bài bản, khối ngành kỹ thuật cũng rất cần lao động tay nghề cao. Về cơ hội việc làm, trường sẽ giới thiệu việc làm cho các em ngay tại lễ tốt nghiệp, bởi trường có liên kết với trên 300 doanh nghiệp.
* Th.S Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức:
Kỹ năng vững vàng sẽ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức năm nay xét tuyển học bạ cho 24 ngành học. Trường nhận hồ sơ online và trực tiếp từ ngày 1-6. Trường đang có mối quan hệ hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn, khu chế xuất - khu công nghiệp của TPHCM để phối hợp đào tạo, thực tập, giới thiệu việc làm và tài trợ học bổng cho HSSV khó khăn. Đặc biệt, doanh nghiệp tài trợ trang thiết bị, mô hình và vật tư thực tập cho các khoa từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng, giúp thầy và trò nhiều ngành của trường đạt 70% thời lượng thực hành và 30% lý thuyết, giúp HSSV có kỹ năng vững vàng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Hòa (Bình Thạnh, TPHCM), phụ huynh học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT:
Không học theo phong trào
Hiện nay, trường đại học (ĐH) mở ra nhiều, vừa thi tuyển vừa xét tuyển theo học bạ nên cơ hội vào giảng đường ĐH của các em rất lớn. Thuận lợi mở ra cho học sinh, nhưng là sự lựa chọn khó khăn cho phụ huynh. Trước dịch Covid-19, nhu cầu việc làm nhiều nhưng sinh viên ra trường không tìm được việc đúng ngành nghề là không ít. Không chỉ sinh viên ở tỉnh, nhiều sinh viên thành phố cũng đầu quân... chạy xe công nghệ, để chờ kiếm việc. Khi kiến thức mai một, tuổi tác ngày một lớn thì thực hiện ước mơ đó không dễ. Tôi định hướng cho con chọn theo năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Học nghề có học phí thấp, thời gian ngắn và ra trường khả năng xin việc dễ hơn. Các nhà máy, xí nghiệp rất cần những lao động có tay nghề. Theo quy định hiện nay, ngành giáo dục không còn phân biệt giữa bằng đại học tại chức và chính quy. Người lao động không khó để có bằng đại học, vì thế không học theo phong trào.
* TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021:
Phải ưu tiên ngành nghề yêu thích
Với kết quả và phổ điểm tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT công bố thì rất thuận lợi cho các trường ĐH trong xét tuyển. Tuy nhiên, điểm thi cao thì điểm chuẩn các trường sẽ tăng lên. Do đó, sẽ có 2 cái “bẫy” mà thí sinh phải lưu ý: thứ nhất, thí sinh điểm thi cao dễ rơi vào tình trạng chủ quan; thứ hai, nhiều trường muốn thu hút thí sinh nên đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp. Trong đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới, thí sinh phải có sự cân nhắc. Trước tiên, thí sinh phải xác định lựa chọn ngành nghề yêu thích là quan trọng, kế đến là chọn trường phù hợp với thực lực. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng và trung cấp) cũng thuận lợi. Bởi lẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời gian qua có sự chuyến biến về chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, chủ yếu xét tuyển bằng điểm học bạ THPT, học phí cũng mềm so với bậc ĐH.
* TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM:
Ngành sư phạm sẽ thu hút nhiều người giỏi
Điểm thi năm nay cao và phổ điểm rất thuận lợi cho các trường ĐH tuyển sinh nói chung và ngành sư phạm nói riêng. Trong đó, ngành sư phạm năm nay có những chính sách điều tiết từ Bộ GD-ĐT nên chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người giỏi vào ngành sư phạm. Việc Bộ GD-ĐT cho các trường sư phạm mở rộng diện xét tuyển thẳng (học sinh trường chuyên, năng khiếu…) sẽ tạo điều kiện để các trường sư phạm thu hút thêm học sinh giỏi, có năng lực phù hợp. Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh đào tạo các ngành sư phạm hệ trung cấp, hạn chế đào tạo cao đẳng (chỉ còn ngành mầm non bậc cao đẳng) nghĩa là giảm số lượng, tăng chất lượng và cơ hội có việc làm cho sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp.
* Ông Trương Văn Túy, Giám đốc Công ty Cơ điện Samwa Tek:
Cần nhân lực có tay nghề cao và kỹ năng hội nhập
Thời điểm này công ty đang mở rộng kinh doanh và phát triển dự án sau thời gian bị ảnh hưởng Covid-19, nên cần tuyển dụng lao động cơ khí chính xác, tốt nghiệp cao đẳng trở xuống. Công ty sẵn sàng tiếp nhận sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm, chỉ cần chịu khó học hỏi và có trách nhiệm với công việc. Về lâu dài, công ty cần tìm người có tay nghề, có kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, tư duy sáng tạo, có thể đứng máy thao tác chính xác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện rất khó kiếm.
* Luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn Luật sư TPHCM:
“Rộng cửa” cho ngành luật
Trước đây, đào tạo ngành luật chỉ có Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM. Nhưng những năm trở lại đây, ngành luật được mở rộng đào tạo tại các trường tư thục, và hiện khá nhiều trường đại học mở ngành luật. Tiêu chí sống và làm việc theo pháp luật ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội, từ sinh hoạt hàng ngày đến các lĩnh vực kinh doanh. Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi “sân chơi” đều trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, nếu định hướng theo ngành luật thì nhu cầu về công việc rất lớn bởi lĩnh vực nào cũng cần vận dụng pháp luật, các “cửa ra” rất phong phú, như: luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, các chức danh trong hệ thống tư pháp như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án...