
Đây là những nội dung quan trọng được các chuyên gia chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thông tin mới nhất về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025” do Báo SGGP tổ chức ngày 4-4.
Học sinh nên tập trung học, củng cố kiến thức
Tham gia buổi giao lưu, Ngọc Lan, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TPHCM) bày tỏ lo lắng trước thông tin đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đổi mới hoàn toàn so với các năm trước. ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) cho lời khuyên, thí sinh không nên quá lo lắng. Bởi theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố, đề thi có phạm vi kiến thức trong chương trình THPT, học sinh đã được học trên lớp. Do đó, trong giai đoạn này, các em cần rà soát lại kiến thức đã học trên lớp, nhờ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hỗ trợ thêm việc ôn tập, đảm bảo tất cả kiến thức đã học không bị thiếu chỗ nào. Trong suốt thời gian thí sinh đăng ký thi trên hệ thống phần mềm của Bộ GD-ĐT, trường THPT nơi các em đang theo học sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Riêng đối với thí sinh tự do, việc đăng ký thi sẽ được thực hiện tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng dẫn của sở, dự kiến công bố sau ngày 12-4.

Một số bạn đọc thắc mắc về hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh khuyết tật. ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa cho biết, hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM luôn tổ chức rà soát tại các đơn vị có đối tượng thí sinh này để có sự chuẩn bị, bố trí phòng thi và các yêu cầu hỗ trợ kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đồng thời thực hiện đúng theo quy chế thi của bộ. Do đó, thí sinh cần hỗ trợ có thể thông báo trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và trường đang theo học để được sự hỗ trợ phù hợp.
Nhiều bạn đọc lo ngại kỳ thi diễn ra khi các tỉnh, thành đang thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy quản lý. Sau khi thực hiện việc sáp nhập, việc cấp bằng tốt nghiệp THPT liệu có ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh? Về vấn đề này, ThS Nguyễn Võ Đăng Khoa cho biết, việc cấp bằng tốt nghiệp THPT hiện nay được quản lý tập trung từ Bộ GD-ĐT thông qua số lượng thí sinh tốt nghiệp ở mỗi năm, mỗi kỳ thi. Do đó, việc thực hiện chủ trương sáp nhập hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Các trường nỗ lực xây dựng cách thức quy đổi điểm
Một trong những nội dung được hàng trăm phụ huynh, thí sinh quan tâm đặt câu hỏi đó là vấn đề quy đổi điểm của các kỳ thi riêng khi thực hiện xét tuyển. Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM) băn khoăn “Tôi có con vừa thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Cháu làm bài và dự đoán khoảng 750/1.200 điểm. Nhưng vừa rồi Bộ GD-ĐT yêu cầu phải quy đổi điểm. Vậy ĐHQG TPHCM thực hiện quy đổi như thế nào? Điều này theo thầy có hợp lý hay không?”. Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQG TPHCM, quy chế tuyển sinh vừa ban hành ngày 19-3-2025, quy đổi tương đương là việc quy đổi ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, bảo đảm tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng. Vì vậy, việc quy đổi sẽ không thực hiện trên từng điểm số cụ thể của thí sinh. Cơ sở đào tạo sẽ chỉ công bố cách thức quy đổi tương đương ngưỡng đảm bảo chất lượng, điểm chuẩn của các tiêu chí xét tuyển, nhằm đảm bảo công bằng trong công tác xét tuyển giữa các tiêu chí khác nhau. ĐHQG TPHCM cũng như các trường đang xây dựng cách thức quy đổi nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.
Giải đáp nội dung về lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp để tránh tình trạng bỏ học giữa chừng do chọn nhầm ngành, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho lời khuyên: Trước tiên, bạn nên lựa chọn ngành nghề mình thật sự yêu thích. Tiếp đến là khẳng định mức độ phù hợp giữa ngành nghề mình yêu thích với năng lực và sở trường của bản thân. Cuối cùng là tìm hiểu đầy đủ thông tin về các đơn vị có đào tạo ngành yêu thích (thế mạnh của trường, nội dung chương trình đào tạo, học phí, điều kiện học tập giảng dạy, đặc điểm xét tuyển và điểm chuẩn tuyển sinh các năm trước).
Quan tâm về vấn đề đầu ra của những ngành học đạt chuẩn kiểm định quốc tế, ThS Trương Quang Trị, Phó giám đốc Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Việc học các ngành đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên như: chất lượng được duy trì và cải tiến liên tục theo chuẩn quốc tế; được các nhà tuyển dụng đánh giá cao vì đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên có lợi thế trong quá trình tìm kiếm việc làm, đặc biệt là khi làm việc trong môi trường quốc tế, với các công ty đa quốc gia; mở rộng cơ hội học bổng và hợp tác quốc tế; phát triển toàn diện kỹ năng...
Về vấn đề quy định việc xét tuyển đại học, thí sinh không cần chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển mà chỉ chọn ngành/chương trình đào tạo, ThS Phạm Quảng Tri, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, việc không cần chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển sẽ thuận lợi cho thí sinh, giúp cho thí sinh có cơ hội cao nhất để trúng tuyển vào các trường đại học. Để tính toán cho việc đăng ký xét tuyển một trường, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển của ngành học mà mình lựa chọn ở trường đó của những năm trước để đánh giá mức độ phù hợp với năng lực (mức điểm) của mình.