Đặc biệt, xu hướng này tập trung ở những NLĐ từ 40 tuổi trở lên - những người được xem là trụ cột của doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo Ambi, trang web giới thiệu việc làm do Công ty giải pháp nhân sự En Japan điều hành, số lượng NLĐ Nhật Bản từ các doanh nghiệp có uy tín chuyển sang các công ty khởi nghiệp đã tăng hơn gấp 7 lần trong 3 năm, kể từ nửa đầu năm tài chính 2018. Những thay đổi này chiếm 21,4% tổng số chuyển đổi công việc thông qua trang web Ambi.
Theo chị Minako Uryu, người vừa vào làm tại Housmart, công ty phát triển hệ thống hỗ trợ tiếp thị cho lĩnh vực bất động sản: “Tôi có thể thử nghiệm những điều mới trong khi tận dụng kinh nghiệm của mình. Hơn nữa, thu nhập của tôi đã tăng khoảng 10%”.
Cách các công ty lớn đang đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm nhiều người trẻ tuổi lo ngại, khiến họ nhận thức được tính chất dễ bị tổn thương của những gì từng được coi là “công việc an toàn”. Ngoài ra, một quan chức của En Japan cho biết, mọi người muốn làm việc cho các công ty khởi nghiệp vì họ tin rằng mình sẽ học được nhiều kỹ năng mới. Thậm chí, nhiều công ty khởi nghiệp đưa ra mức lương cao hơn và các lợi ích khác để thu hút nhân tài mới.
Theo dữ liệu từ trang web Ambi, nhìn chung, các công ty khởi nghiệp đưa ra mức lương trung bình hàng năm là 8,04 triệu yen - trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2021, tăng 20% so với 4 năm trước đó. Hơn 20% công ty khởi nghiệp đăng tuyển dụng hiển thị mức lương hàng năm trên 10 triệu yen (87.070 USD). So với các công ty khác bị ràng buộc về cấu trúc lương thưởng, các công ty khởi nghiệp không bị hạn chế như vậy.
Theo tờ Nikkei Asia, ông Hiroyuki Motegi, nhà phân tích tại Viện tuyển dụng việc làm (Recruit Works Institue - RWI) ở Tokyo: “Mức lương cao từ các công ty khởi nghiệp đã làm cho việc ở lại các công ty lớn bớt hấp dẫn. Nó cũng tạo điều kiện thay đổi công việc cho NLĐ có tay nghề cao”.
Theo khảo sát của RWI, trong quý 4-2021, 31,5% người rời khỏi các công ty lớn được tăng lương hơn 10% ở các công ty khởi nghiệp. Con số này tăng 1,9 lần so với 2 năm trước đó. Nhiều người Nhật Bản vẫn tin rằng, nhảy việc không phải là một lựa chọn cho những người trên 35 tuổi; nhưng theo En Japan, NLĐ ở độ tuổi 40 trở lên chiếm 48% số người thay đổi việc làm. Một chuyên gia nhận xét, những NLĐ lớn tuổi có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp các công ty khởi nghiệp đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Awl, một công ty khởi nghiệp thành lập năm 2016 chuyên về sản xuất camera trí tuệ nhân tạo ở Tokyo, đã thuê 5 nhân viên Panasonic dày dạn kinh nghiệm, trong đó có một cựu giám đốc 58 tuổi của một công ty con Panasonic. Một nhân viên quản lý của Awl cho biết, khai thác trí tuệ và kinh nghiệm của những NLĐ lâu năm là con đường ngắn nhất để dẫn đến giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo ông Hiroaki Miyamoto, giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo Metropolitan, dòng người liên tục chuyển từ các ngành công nghiệp ít còn khả năng phát triển sang các lĩnh vực tiềm năng sẽ giúp ích rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế chất lượng của Nhật Bản.