Kéo người có H sống chậm lại
Uyên bắt đầu tiếp xúc với người có H khi còn là cô bé 6 - 7 tuổi, theo mẹ đi làm công tác cộng đồng. Uyên nhớ như in ngày ngồi sau xe đạp của mẹ đi trò chuyện, thủ thỉ để kéo những cô gái “nhảy tàu” (gái bán dâm cho thủy thủ tàu viễn dương khi tàu cập cảng) đi kiểm tra sức khỏe và điều trị H hoặc những căn bệnh xã hội khác. Rồi cả những ngày theo chân mẹ đi phát cơm, tặng quà cho những bệnh nhi có H trong bệnh viện. Cứ thế, sợi dây gắn kết chị với người có H hình thành lúc nào không hay. Uyên chỉ biết rằng, năm 2011, khi ấy vừa tròn 22 tuổi, cô quyết định “nối nghiệp” mẹ. Từ đó, ngoài gia đình, niềm vui, nỗi buồn của Uyên đều dành cho những người mắc H và tận tâm cho công việc tại phòng khám “Nhà mình” (quận 8) - nơi hỗ trợ y tế cho những bệnh nhân H.
Ngoài X., Uyên còn đồng hành cùng hàng chục em nhỏ có H khác thông qua chương trình “Góp một bàn tay”. Vào thứ hai và thứ năm hàng tuần, Uyên lại có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 để trò chuyện, sinh hoạt cùng bệnh nhi có H. Nội dung sinh hoạt được Uyên xây dựng dựa trên những mong muốn của các bé. Qua tiếp xúc, Uyên xác định phải đặc biệt quan tâm đến những đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, bởi tuổi này tâm sinh lý thay đổi, dễ buồn, dễ giận, dễ tổn thương, dễ nổi loạn… Tất cả những điều đó đều là nguy cơ khiến các bé bỏ điều trị và có thể lây nhiễm cho người khác. Vậy là ngoài một người chị, Uyên còn phải làm tròn vai một người bạn để chia sẻ, động viên các bé.
Không chỉ chia sẻ về mặt tinh thần, không ít lần Uyên ngược xuôi lo xe đưa các bé từ nhà đến bệnh viện điều trị và ôm hồ sơ đi xin tiền viện phí cho các bé trở bệnh nặng.
Ngoài ra, những lúc có thời gian, Uyên lại tìm đến những quán massage, quán gội đầu, karaoke… tỉ tê với những chị em làm nghề “nhạy cảm”, khuyên họ đi khám, điều trị nếu mắc bệnh xã hội và hỗ trợ các chị có nhu cầu chuyển nghề.
“Những người có H thường bất cần nên họ sống vội lắm, cũng vì vậy mà lúc nào tôi cũng trong tâm thế phải kéo họ sống chậm lại và tìm mọi cách để giúp cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn”, chị Uyên trải lòng.
“Chị luôn ở phía sau”
Trên con đường bước cùng người có H, không ít lần Uyên muốn dừng lại. Đó là những lúc đi xin viện phí cho các bé, Uyên gặp phải ánh mắt săm soi như thể cô đang lợi dụng người bệnh để trục lợi cho bản thân. Cũng có khi ý định buông bỏ công việc ập đến vì áp lực cuộc sống, áp lực gia đình đè lên vai của cô.
“Mình buông lúc này thì liệu có bàn tay nào kịp đưa ra nắm lấy tay các em hay không?”, câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu Uyên. Chỉ cần bàn tay ấy đến chậm vài nhịp, có thể sẽ có thêm những đứa trẻ “chướng tính” bỏ điều trị dẫn đến kháng thuốc, thậm chí sẽ có đứa chọn lối sống buông thả, bất cần, để rồi lây bệnh cho người khác. Bi kịch hơn là lại có những đứa trẻ tội nghiệp khác ra đời. Và nhất là lời hứa “Có gì khó nói hãy tâm sự với chị, chị luôn ở phía sau các em” mà Uyên từng nhắn nhủ các bệnh nhi có H trong Bệnh viện Nhi đồng 2 đã không cho phép Uyên bỏ cuộc.
Với tấm lòng và những việc làm thiện nguyện của mình, Lê Thị Thái Uyên được đề cử Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2019 và là điển hình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. |
Chính những nụ cười, sự quyết tâm điều trị của người có H và cả lời hứa “chị luôn ở phía sau” ấy giúp Uyên lại gượng dậy, vượt lên áp lực của cuộc sống, gạt bỏ tự ái của bản thân để tiếp tục bước sau người bệnh. Cũng chính tấm lòng của cô gái trẻ Lê Thị Thái Uyên mà hiện hơn 20 người từng lầm lỡ đã làm lại cuộc đời và cùng Uyên hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ.