Hai chiều ý kiến
Không ít người trẻ hiện nay có mức thu nhập đáng kể, có nhiều nguồn thu phụ và nhất là những khoản kiếm tiền từ mạng xã hội. Chuyện mua nhà, sở hữu bất động sản hay dành tiền để tận hưởng cuộc sống cũng bắt đầu được bạn trẻ thể hiện quan điểm trên các diễn đàn online.
để không gánh nợ “khủng hoảng”
Đưa ra ví dụ căn nhà hơn trăm mét vuông ở thành phố hiện nay có giá thị trường tầm 5 tỷ đồng, trong khi giá thuê chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, tăng giá 10% sau mỗi hai năm, Lê Thiên Bảo (26 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận 1) chia sẻ: “Tài chính chưa quá mạnh thì không nhất thiết nghĩ đến việc mua nhà, vì trả góp mỗi tháng rất oải. Bản thân tôi thu nhập chính và nguồn thu phụ cũng gần 30 triệu đồng/tháng nhưng tôi lựa chọn thuê nhà, vì mình thoải mái chọn chỗ ở, mỗi tháng không lăn tăn trả góp bao nhiêu, còn bao nhiêu để tiêu xài”.
Không chỉ đồng tình với chuyện ở nhà thuê, Hạnh Nguyên (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) còn có thêm tiền từ việc này khi thuê nhà nguyên căn rộng rãi, rồi chia phòng cho bạn bè, đồng nghiệp thuê lại. Hạnh Nguyên cho hay: “Tôi ở một phòng và em gái tôi một phòng, còn lại tôi để cho thuê, nên mỗi tháng trừ các khoản chi phí như điện, nước thì cũng dư chút ít. Ở nhà thuê cũng có cái tiện, vì nếu công việc chuyển đổi, bạn có thể chọn thuê ở gần chỗ làm, hoặc khi khu nhà thuê xuống cấp, bạn có thể dọn đi nơi khác mà không phải lăn tăn chuyện sơn sửa, tân trang”.
Khác với quan điểm ở nhà thuê, không ít bạn trẻ cố gắng “cày cuốc”, tranh thủ làm thêm nhiều đầu việc để có tiền trả góp mỗi tháng khi quyết định mua nhà. “Tôi nghĩ còn trẻ, còn khỏe thì chịu cực chút cũng được, có cái nhà riêng của mình thì an tâm đi về. Trả góp mỗi tháng cũng khá căng, nhưng áp lực cũng là động lực để mình cố gắng làm việc hơn. Sau này, lập gia đình và có con cái, ở nhà riêng cũng thoải mái hơn đi thuê”, Hồ Thanh Nhân (28 tuổi, nhân viên IT, ngụ quận Bình Thạnh) nói.
Những quyết định “méo mặt”
Vừa nhận thêm hợp đồng quảng cáo trực tuyến nhưng Huyền Thư (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) vẫn thở dài: “Thêm hai hợp đồng nữa thì tháng này mới có thể thoải mái chút, chứ tiền ngân hàng tới nơi”. Mua căn hộ chung cư tại quận 8 và trả góp qua ngân hàng mỗi tháng, từ háo hức có nhà riêng, Thư dần mệt mỏi: “Lúc mua nhà thì mọi thứ ổn định hết. Một đợt dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm đáng kể, tôi phải cày việc ở công ty và kiếm thêm những hợp đồng ngắn hạn bên ngoài thì mới đủ xoay mỗi tháng”.
Gần 10 năm làm nhân viên môi giới bất động sản, Nguyễn Hữu Anh (34 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ: “Đa phần khách của tôi thường mua để kinh doanh, họ mua xong thấy có lời thì bán lại, gọi là mua đầu tư. Còn những ai mua nhà để ở thì khả năng kinh tế phải chi trả được 70% trở lên, nếu không thì tiền góp mỗi tháng áp lực lắm. Chưa kể vay ngân hàng thì bạn phải chứng minh được thu nhập, còn không thì phải mượn bên ngoài. Tính sơ qua, nếu bỏ ra 5-7 tỷ đồng mua một căn nhà ở nội thành, hay 1-2 tỷ đồng cho 1 căn chung cư, trong khi thuê chỉ mất tầm 10 triệu đồng/tháng, riêng tiền lãi vay mua nhà đã gấp mấy lần tiền thuê, chưa nói tiền gốc. Như tôi là dân trong nghề cũng ở nhà thuê cho khỏe, chứ chưa dám mua vì sợ khoản trả góp mỗi tháng”.
Đồng tình với Hữu Anh, Phan Thu Như (32 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản, ngụ quận Tân Bình) cho biết: “Giá bất động sản hiện nay đang rất cao, nhưng giá thuê rẻ hơn. Nếu tài chính chỉ ở mức chi tiêu cá nhân thoải mái, không quá dư dả thì việc bỏ 1-3 tỷ đồng mua nhà và gánh nợ trả góp sẽ rất áp lực. Nhưng nếu bạn có khả năng chi trả khoảng 60%-70% tiền nhà thì cũng nên đầu tư một căn, có nhà để ở và cũng có thể bán lại khi giá thị trường tiếp tục lên”.
Khái niệm “an cư lạc nghiệp” trong suy nghĩ của người trẻ hiện đại đôi khi thể hiện ở một góc độ khác so với quan niệm xưa. Không nhất thiết phải đặt mục tiêu có một căn nhà riêng thì sự nghiệp mới thuận buồm. Chuyện mua nhà phần lớn tùy thuộc vào khả năng tài chính. Khi chưa dư dả quá nhiều thì những mục tiêu quá lớn vô tình trở thành áp lực nặng nề.