Đến tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đại diện các sở ban ngành và hơn 300 doanh nhân trên địa bàn TPHCM.
“Nút thắt” thủ tục hành chính
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng cho biết, tính đến nay, Chương trình Cafe Doanh nhân đã trải qua 35 kỳ với hơn 2.100 lượt doanh nhân tham dự. Chương trình tiếp tục tạo được uy tín và trở thành mô hình hoạt động giao lưu, sinh hoạt được các hội thành viên học tập triển khai và nhân rộng. Tại mỗi chương trình, doanh nghiệp (DN) được giao lưu, kết nối, chia sẻ, lắng nghe, từ đó tìm được tiếng nói chung để cùng hợp tác và phát triển bền vững.
Liên quan đến hoạt động của DN, ông Chu Tiến Dũng cho biết, thời gian gần đây, lãnh đạo TPHCM và các cơ quan ban ngành đã có sự quan tâm nhiều hơn nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trực tiếp giải quyết dứt điểm một số khó khăn vướng mắc do HUBA đề xuất. Tuy nhiên, tình hình cải cách hành chính vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh doanh của DN theo hướng chính quyền phục vụ, chính quyền kiến tạo; chưa tạo ra sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt, các thủ tục về đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư rất phức tạp, kéo dài, có nhiều trường hợp DN không nhận được sự trả lời; việc tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn do chưa áp dụng phổ biến hình thức tín chấp - quản lý nguồn thu và xem xét phương án khả thi của DN; các quỹ hỗ trợ vốn, bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa hầu như không hoạt động,…
Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa phát huy tác dụng trên thực tế. “Chương trình kích cầu có nhiều đầu mối, nhiều cơ quan có ý kiến thẩm định dự án, hồ sơ phải sửa chữa nhiều lần theo ý các sở, ngành…, đến khi được tham gia chương trình rồi thì việc bố trí vốn giải ngân bù lãi suất còn chậm và không đủ theo nhu cầu”, ông Dũng nêu. Đáng chú ý, thủ tục cấp giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh còn làm khó DN. Thậm chí, chưa có loại giấy nào được hủy bỏ theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ (giảm từ 1/3 đến 1/2 các điều kiện kinh doanh), môi trường kinh doanh chưa được cải thiện.
Ngoài ra, DN FDI đang lấn lướt DN trong nước do các lợi thế về vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường và những ưu đãi như: tiếp cận đất đai thuận lợi, ít bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra, hay những yếu tố tiếp sức “chuyển giá”, vay vốn DN “mẹ” với chi phí thấp… Đặc biệt là sự tiếp sức của chính phủ nước ngoài đối với các dự án ODA làm cho phần lớn các dự án ODA đều được giao cho các nhà thầu nước ngoài. Trong khi đó, các DN trong nước tuy có đủ năng lực vẫn rất ít cơ hội được tham gia trực tiếp mà phải làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài. Tình hình gian lận thương mại, hàng gian hàng giả, buôn lậu vẫn xuất hiện tràn lan chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất. Các siêu thị, hệ thống phân phối lớn dưới sự quản lý và điều hành của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hàng hóa ngoại chiếm lĩnh tạo sức ép cạnh tranh khốc liệt đối với sản phẩm của DN trong nước.
Đơn giản, tự động hóa thủ tục
Các DN tham dự hội nghị đã kiến nghị chính quyền TP tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, dễ dàng tiếp cận hơn nữa; đơn giản thủ tục, giảm thành phần hồ sơ, giảm đầu mối, cắt giảm các khâu và thủ tục thừa mang tính hình thức và theo hướng tự động hóa. Cần có các cam kết về tiến độ, thời gian giải quyết các thủ tục trong đầu tư kinh doanh, tránh các dự án, các vướng mắc của DN bị đi vào ngõ cụt hay không có lời giải. Đối với những chính sách TP ban hành mà đối tượng DN được hưởng lợi thì nên xây dựng bắt đầu từ đề xuất, tham mưu, thảo luận góp ý của DN trước khi ban hành.
“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, không thanh tra, kiểm tra DN quá 2 lần trong 1 năm. Cũng rất cần tinh thần thái độ của công chức thực sự hướng về DN, không gây khó và bắt ép mỗi khi thực hiện việc thanh tra hay kiểm tra”, ông Chu Tiến Dũng nêu kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong ghi nhận tất cả ý kiến góp ý, hiến kế xây dựng cho TP; đặc biệt, nhấn mạnh vai trò quan trọng của DN trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng chí cũng lưu ý, trong thời điểm hiện nay, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần khắc phục điểm yếu là thiếu sự liên kết giữa các DN. Đối với vấn đề cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, lãnh đạo TP sẽ làm việc với từng sở để rà soát lại những thủ tục hành chính còn trì trệ.
Cũng liên quan đến những rào cản về thủ tục hành chính, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân “đặt hàng” HUBA chọn 10 sự việc điển hình bị vướng mắc của các DN, chuyển sớm để TP chỉ đạo xử lý “mẫu”, từ đó nhân rộng những trường hợp tương tự, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, chọn ra 10 vấn đề TP cần thay đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các vấn đề này sẽ được giám sát, đánh giá, tổng kết vào cuối năm nhằm đúc kết kinh nghiệm, tạo tiền đề cho những kiến nghị, hiến kế giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những lần sau.
Một số đề xuất, kiến nghị của HUBA - Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM đang phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, các DN mong muốn TP tiếp tục cải tiến phương thức quản lý, thẩm định, phê duyệt sao cho thuận lợi hơn. Nên chăng quản lý theo mục tiêu, kết quả, hậu kiểm thay cho quản lý giám sát hiện nay. - Thực hiện xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo: TP nên nghiên cứu tái cấu trúc lại các khu công nghiệp - khu chế xuất trước đây ở ngoại thành - nay đã nằm trong nội đô. Cần có kế hoạch, chiến lược nâng cấp, nâng chất theo hướng giảm thâm dụng lao động, tăng công nghệ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất để các khu công nghiệp - khu chế xuất đạt hiệu quả. Quy hoạch theo hướng cụm ngành công nghiệp. - Ngày càng có nhiều thương hiệu, DN lớn Việt Nam gầy dựng qua nhiều năm được các tập đoàn nước ngoài mua lại… Sau khi mua xong, các thương hiệu này thường bị xóa sổ. Vì vậy, chương trình, kế hoạch và chiến lược trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cũng như chương trình xây dựng thương hiệu mạnh, sản phẩm chủ lực của TP cần xem xét đầy đủ đến những vấn đề này. - Đối với các dự án đầu tư lớn của TP về ODA, đề nghị TP nên có chủ trương và giải pháp để các DN trong nước đủ năng lực được tham gia như một nhà thầu chính. - TP cần dành một phần kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các hoạt động tổ chức, các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư do Hiệp hội DN TP tổ chức, như Diễn đàn kinh tế TPHCM, hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối kinh doanh trong và ngoài nước. |