Giữa thời kinh tế khó khăn, do thu nhập cũng thuộc loại bình bình nên mọi khoản chi tiêu của gia đình tôi đều phải cắt giảm tối đa, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước. Tuy vậy, cắt khoản nào thì cắt nhưng với khoản chi hơn 100.000 đồng mỗi tháng dành cho việc mua giày, mua cầu, mua vợt… tôi vẫn cứ phải giữ nguyên. Bởi đây là khoản chi tối thiểu để cả nhà tôi có thể chơi cầu lông vào các buổi sáng. Nghe có vẻ hơi phi lý, nhưng với kinh nghiệm hơn 2 năm, tôi thấy đây cũng là cách… tiết kiệm rất tốt.
Thật vậy, trước đây, với độ tuổi U50, sức khỏe của vợ chồng tôi bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. Hôm nào trời đẹp thì còn đỡ, hôm nào trái gió trở trời nếu đầu không nhức thì mũi cũng hắt hơi liên hồi. Xui rủi, nếu đang đi mà trúng nắng trúng mưa thì thế nào cũng ho, cảm sốt. Lúc ấy, nhẹ thì cũng phải uống vài ba viên thuốc, nặng thì phải nghỉ làm vài hôm, còn nặng hơn nữa thì ắt phải đi khám tại các bệnh viện. Tính đi tính lại, tháng hơn bù tháng kém, bình quân mỗi tháng nhà tôi tốn không dưới 300.000 đồng cho các khoản chi thuốc men.
Thấy sức khỏe cả nhà kém, tôi liền vận động cả gia đình cùng chơi thể thao. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn sức khỏe của mọi người trong nhà tôi đều khá hơn. Xương khớp của vợ chồng tôi bớt đau nhức thấy rõ, người cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn. Hai đứa con tôi cũng mạnh khỏe và rắn chắc hẳn lên. Từ đó, các khoản chi cho thuốc men, viện phí của nhà tôi đã giảm hẳn xuống. So sánh, tôi thấy chi cho thể thao chỉ bằng 1/3 khoản chi thuốc men và viện phí.
Mặt khác, ngoài ý nghĩa tiết kiệm được một khoản cho ngân quỹ gia đình, thể thao cũng giúp gia đình tôi có được một nếp sống vui tươi, lành mạnh. Các con tôi cũng tránh xa được việc tụ tập, đàn đúm và các trò chơi game online vô bổ. Từ thực tế của cuộc sống gia đình, tôi mạo muội hiến kế tiết kiệm này để mọi người thử ứng dụng. Tôi tin sẽ thành công.
Hoàng Phương