Chờ lương rồi… khóc thầm
Mùa khuyến mãi cuối năm, bất kể hội nhóm trên mạng xã hội, dù là chia sẻ chuyện làm vườn, chăm sóc cây kiểng, hay bí quyết mua sắm, đều tung hàng trăm mã giảm giá để thu hút người theo dõi. Chưa đầy 1 giờ, hơn 300 mã giảm giá được tung ra.
Gần 1 giờ sáng, Vũ Hà Phương Anh (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), quản lý một nhóm “săn sale” (săn giảm giá/khuyến mãi) với hơn 20.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội chia sẻ: “Tháng nào cũng có hàng trăm mã giảm giá, nhưng mùa cuối năm thì giảm mạnh và nhu cầu săn giảm giá của người dùng cũng nhiều. Thường các nhãn hàng sẽ tung mã giảm giá vào tầm nửa đêm, nên mấy bạn canh để lấy mã và chốt đơn nhanh lắm. Tôi cũng ít khi săn sale, nhưng việc mình tung mã giảm giá vào nhóm cũng sẽ nhận được hoa hồng từ các nhãn hàng, tùy theo lượng người theo dõi mà tiền hoa hồng sẽ có giá khác nhau. Và chính những mã giảm giá này thu hút người vào nhóm ngày càng nhiều, săn sale như là mốt thời thượng vậy đó”.
Mới giữa tháng 12, nhưng Nguyễn Ngọc Thảo (24 tuổi, ngụ quận 4) bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” vì lỡ “chơi lớn” chốt 3 đơn hàng trong đợt giảm giá vào ngày 12-12. Thảo kể: “Tính lại thì mấy đơn hàng tôi chốt ngày 12-12 cũng chỉ giảm vài chục ngàn đồng so với ngày thường thôi, nhưng cứ săn giảm giá riết thành ghiền, cứ thấy mã giảm giá thì phải canh để săn cho bằng được”.
Thu nhập từ công việc kỹ sư thiết kế phần mềm đủ để Phan Tấn Duy (26 tuổi, ngụ quận 8) chi đậm cho những gì mình thích. Nhưng hai đơn hàng chốt lố tay, khiến kỹ sư trẻ “méo mặt”, Duy kể: “Công việc thu nhập tốt, nên tôi cứ xài đã tay, coi như bù cho năm tháng đại học phải tiết kiệm từng đồng. Đồ công nghệ món nào thích thì mua, nhiều khi mua rồi để đó không biết dùng vào việc gì luôn, vậy mà cứ chốt đơn. Trong nhà có 1 máy chạy bộ rồi, nhưng thấy 12-12 giảm giá nhiều, kiểu máy đẹp hơn nên tôi vừa chuyển khoản chốt, giờ đối tác báo thanh toán hợp đồng sẽ trễ khoảng 2 tuần, coi như ăn mì gói chờ lương...”.
Bài học chưa kịp cũ
Thanh toán xong học phí ngoại ngữ trọn gói 1 năm, Trần Thành Dung (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình) thở dài: “Tôi là IT cho công ty, không sợ thiếu việc như hồi làm tự do phải tự mình tìm hợp đồng, nhưng quý cuối năm nay thì eo hẹp quá. Cứ nghĩ đóng học phí xong thì mình cày chừng 2 đơn hàng thiết kế phần mềm là đủ, ai dè công ty cũng khó khăn… Bây giờ, tôi vừa làm ở công ty, vừa nhận thêm vài việc thiết kế nhỏ bên ngoài để bù cho khoản thu chi cuối năm, mua sắm trong ngoài”.
“Kiếm tiền giỏi và tiêu tiền cũng giỏi nốt” là câu chuyện được bàn luận nhiều trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Người trẻ nhất là lứa tuổi gen Z có đủ cách và nhanh nhạy với khoản kiếm tiền từ mạng xã hội… Và nếu trước đây, người trẻ còn lạ lẫm với các nguồn thu phụ, thì hiện tại các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số (coin), sưu tập nghệ thuật đến bất động sản, hay căn hộ dịch vụ… bạn trẻ gen Z khá rành. Và chính vì thế mà họ cũng sẵn sàng chi đậm để thỏa nhu cầu mua sắm, nghỉ dưỡng cá nhân, check-in ở những địa chỉ sang trọng.
Có kinh nghiệm cố vấn tài chính đầu tư tiền kỹ thuật số hơn 3 năm, Hoàng Tiên Tiên (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: “Nhiều bạn có máu đầu tư lắm, ba - bốn nguồn thu nhập phụ bên cạnh tiền lương là chuyện bình thường. Đa phần các bạn kiếm tiền giỏi nên sẵn sàng chơi lớn, mua sắm đồ hiệu, nghỉ dưỡng sang chảnh và tài chính thì cũng như mọi lĩnh vực khác, đều có những rủi ro nhất định nên cũng có khi bấm bụng chờ tiền từ nguồn thu khác. Ít bạn có thể lường được rủi ro mà dự phòng tài chính an toàn. Vì thế mà nhiều công ty thường mời các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tài chính an toàn cho nhân viên mới là vậy”.
Với người trẻ, lựa chọn sang trọng hay dè sẻn cũng cần có bản lĩnh để lường được rủi ro tài chính bất ngờ, chẳng hạn như dự báo khó khăn về kinh tế trên toàn cầu trong hiện tại và thời gian tới.