TP Dresden lớn thứ tư về diện tích và thứ 12 về dân số toàn nước Đức, đặc biệt thu hút khách du lịch bốn phương bởi chợ Giáng sinh Striezelmarkt lâu đời nhất châu Âu - năm nay là lần thứ 589.
Lịch sử chợ Giáng sinh Striezelmarkt bắt đầu từ cuối tháng 10-1434, với phiên chợ bán thịt và thực phẩm cho dân địa phương vào dịp lễ cuối năm. Sang thế kỷ XVI, dần dần thêm nhiều quầy hàng bán đồ trang trí Giáng sinh từ mạn núi Erzgebirge, các quầy bánh ngọt, kẹo, nến, gia vị, đồ thủ công…
Ngày 29-11 vừa qua, Thị trưởng TP Dresden, ông Dirk Hilbert, tuyên bố mở chợ và khoảng 600 ngọn đèn gắn trên cây thông khổng lồ bừng sáng. Người ta dạo thăm chợ, xem kịch, xem biểu diễn, cho trẻ em chơi trò chơi, gặp gỡ nhau, cùng uống cốc vang nóng Glühwein sực nức mùi quế, đinh hương… hay cốc rượu mạnh hoa quả hâm nóng trong những chiếc cốc sành, cùng ăn các loại hạt ngào mật ong, xiên dâu tẩm sôcôla, quả táo bọc đường, miếng bánh Lebkuchen; người ta mua bánh Giáng sinh Stollen mang về cùng thưởng thức với gia đình, mua quà cho người thân, bạn bè; chơi chợ để ngắm người và để người ngắm mình.
Chợ Striezelmarkt không chỉ lập kỷ lục về tuổi đời mà được xác nhận kỷ lục thế giới năm 1999 về tháp gỗ 6 tầng Pyramide. Tháp cao 14,62m, có đặt các tượng gỗ người tuyết, ông già Noel, nàng tiên, giáo sĩ…, trên cùng gắn một chiếc chong chóng gỗ khổng lồ, trục quay được như nguyên lý đèn kéo quân. Đứng trên tầng cao nhất của tháp có thể nhìn toàn bộ quang cảnh trung tâm thành phố. Tháp gỗ này là vô giá, nhưng du khách có thể mua những tháp kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều để làm quà Giáng sinh, giá từ 80 EUR đến hàng ngàn EUR, hoàn toàn làm bằng tay và sơn không độc hại.
Năm nay có 214 quầy hàng với 1.900 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia trong 26 ngày (từ ngày 29-11 đến chiều 24-12), dự kiến doanh thu khoảng 42 triệu EUR. Nhiều người đã biết đến bánh Stollen vào dịp Giáng sinh của châu Âu, nhất là những nước nói tiếng Đức, nhưng có thể chưa biết rằng bánh Stollaen nổi tiếng nhất đến từ Dresden và phụ cận, có hẳn tên riêng là bánh Dresdener Stollen.
Hội bánh Stollenfest thường diễn ra vào ngày thứ bảy thứ 2 sau khi mở chợ. Chiếc bánh Stollen khổng lồ nặng gần 2 tấn (lớn nhất châu Âu) được rước long trọng trên cỗ xe tam mã, diễu hành qua các phố trung tâm và được chia thành các miếng nhỏ để bán gây quỹ từ thiện sau khi kết thúc lễ diễu hành, năm nay dự kiến bán một miếng 500gr với giá 10 EUR. Bánh Dresdner Stollen được làm với bột mì, men, sữa, đường kính, bơ tươi, hoa quả chưng đường, mứt vỏ chanh, mứt vỏ cam, nho khô ngâm rượu rhum, bột hạnh đào, hạnh nhân, bột vỏ chanh quện với muối, đường bột và gia vị làm bánh. Chính những thành phần này đã tạo nên hương vị đặc biệt cho bánh.
Du khách còn có thể ghé thăm chợ Giáng sinh Trung cổ ở sân sau của Lâu đài Hoàng gia. Tuy nhỏ hơn hẳn về quy mô, nhưng không khí ở đây cực kỳ đặc biệt, như trở về quá vãng hàng trăm năm trước. Mọi thứ trong chợ Trung cổ phải y như thời... Trung cổ, chiếu sáng bằng các cây đuốc, nến sáp và đèn dầu. Người soát vé, bán hàng ăn mặc nguyên lối Trung cổ với áo vải thô, thắt lưng da to bản và giá tiền niêm yết cũng ghi bằng đồng tiền cổ Taler. Tất nhiên là khách vẫn trả bằng đồng EUR, quy đổi ước lệ với nhau là 1€ = 1Taler. Các mặt hàng, món ăn và trò chơi trong chợ cũng đều từ thời Trung cổ, mang phong vị cổ xưa. Âm nhạc từ các sân khấu dựng rải rác trong các khu chợ Giáng sinh khiến người ta náo nức. Tiếng nhạc từ các vòng đu quay, tiếng nói cười râm ran bên các nhà gỗ bán vang nóng, những vòng ôm của người thân, bạn bè xua đi giá lạnh của mùa đông châu Âu. Đêm đã về khuya mà khách chơi chợ vẫn cứ muốn nán lại chưa muốn về.