Trước những băn khoăn của người dân về việc sau uống rượu bia bao lâu mới được tham gia giao thông để không vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế là thành viên Ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cho biết: Thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.
"Khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn” - bà Trần Thị Trang khuyến cáo.
Đồng thời bà Trần Thị Trang chỉ rõ, bình thường trong các cuộc nhậu, số lượng rượu, bia được uống thường vượt xa con số một đơn vị cồn nên để có thể tự lái xe và không bị phạt, người uống cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thời gian từ lúc uống rượu đến khi xét nghiệm âm tính với cồn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Đầu tiên là phụ thuộc vào lượng rượu mình uống, nồng độ cồn trong rượu mình uống. Nếu uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao. Cơ thể hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Với một số trường hợp khác như uống lúc đói thì hấp thụ rượu càng nhanh. Người nào uống kéo dài, uống triền miên, rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào cơ thể...” - BS Nguyên cho biết và khuyến cáo mọi người cần phải hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu uống mỗi lần vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính với cồn trong máu và hơi thở.
Đối với một số loại đồ uống khác như: chocolate, trái cây chín lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, viên sát trùng miệng, họng… có một chút Ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở. Trước tình huống này, bác sĩ Nguyên cho rằng, người dân nên yên tâm vì lực lượng xử lý hành vi vi phạm đều có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần hai. Tuy nhiên tốt nhất là sau khi sử dụng những đồ ăn thức uống có Ethanol dù ít thì cũng nên đợi ít nhất khoảng 15 - 30 phút rồi hãy tham gia giao thông. |