“Duyên lành” từ biển đảo
Dù chuyến đi thăm huyện đảo Trường Sa đã qua 5 năm, nhưng khi nhắc lại, phóng viên Kim Ngân (Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM) vẫn bồi hồi như vừa mới trở về từ hải trình. Năm 2019, Kim Ngân tham gia đoàn công tác số 7, cùng các đại biểu của TPHCM đến thăm quân và dân ở huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Kim Ngân chia sẻ, là phóng viên báo nói, việc góp giọng trên làn sóng của đài là công việc chuyên môn, thường nhật; thế nhưng khi thực hiện phát thanh trên tàu lại mang đến cho chị trải nghiệm khó quên.
“Phương tiện để thực hiện chương trình phát thanh khá đơn giản, tận dụng thiết bị trên tàu, giọng nói mộc tuyệt đối vì không hề thông qua phần mềm hay thiết bị xử lý nào, nhưng các chương trình phát thanh như thế lại được sự đón nhận nồng nhiệt của cả tàu. Ngày ngày, tôi trở nên “nổi tiếng” khi thể hiện các bản tin ngắn gọn về hành trình công tác và nói hộ cảm xúc của những đại biểu khác trong các bài cảm nhận về chuyến đi”, Kim Ngân nhớ lại.
Cũng từ sau chuyến hải trình ấy, biển đảo đã mở ra cho Kim Ngân một nguồn đề tài đầy cảm xúc. Ngân tiếp tục được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là những anh hùng của đoàn tàu không số huyền thoại. Để rồi, loạt bài về con đường huyền thoại trên biển ấy do Kim Ngân chấp bút như một cách đền đáp những duyên lành mà biển đảo đã trao cho chị.
Còn với ca sĩ, nhạc sĩ Lê Anh Tuấn, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, trong chuyến hải trình dài 15 ngày đến thăm, chúc tết các chiến sĩ nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, anh đã sáng tác bài hát Lá thư DK ngay trên tàu vào những ngày biển động dữ dội nhất, và bản thân anh say sóng nhất đoàn…
“Cảm hứng sáng tác bài hát này được lấy từ hình ảnh chào tạm biệt của hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu với bạn gái ở Quân cảng 129 (TP Vũng Tàu) để lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại nhà giàn DK1/10. Sau đó, trong suốt hải trình, tôi được chứng kiến cảnh ăn ở, sinh hoạt, công tác và lắng nghe tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, cuối cùng cho ra đời bài hát dựa trên ý thơ của Thiếu úy Lê Ngọc Chung”, nhạc sĩ Lê Anh Tuấn cho biết. Một kỷ niệm không thể quên là khi đến nhà giàn, biển động, tàu không vào được, Anh Tuấn đã hát qua máy bộ đàm, tiếng hát hòa tiếng sóng biển như thay lời tâm tình của những người lính biển.
“Anh để lại nơi anh những lúc biển cuồng phong, biển giận dữ hung tàn quá đỗi. Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa. Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận. Như cánh san hô chìm sâu đáy biển, cứ sóng hoài sóng mãi vẫn nở hoa… Lá thư DK là câu chuyện tình của chiến sĩ nhà giàn; là sự tin tưởng của hậu phương vững chắc để chiến thắng mọi phong ba, bão táp; chiến thắng mọi kẻ thù để giữ gìn toàn vẹn biển đảo Tổ quốc. Nguồn cảm hứng từ cán bộ, chiến sĩ biển đảo đã nuôi dưỡng và làm đẹp thêm tâm hồn những người nghệ sĩ chúng tôi”, Anh Tuấn chia sẻ.
Những món quà vô giá
Trên những chuyến tàu chở các đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1, ngoài nhu yếu phẩm thiết yếu luôn kèm theo món quà tinh thần vô giá. Đó là những lá thư tay của các em học sinh từ đất liền, gửi đến các “chú bộ đội” thân thương.
“Thân gửi các anh, các chú bộ đội chiến sĩ Trường Sa kính mến!
Cháu tên là Trần Ngọc Thu Thảo, học sinh lớp 12C3 Trường THCS Hoàng Diệu. Lời đầu thư, cháu xin chúc các chú thật nhiều sức khỏe. Hy vọng bức thư nhỏ bé này của cháu sẽ cùng với cánh chim hải âu bay đến quần đảo thiêng liêng của đất nước; đến các chú, các anh, những người cháu chưa từng gặp mặt. Với chúng cháu, những người con đất Việt chưa một lần đến biển đảo, chỉ biết qua sách và báo rằng biển đảo là nơi thường xuyên đón những cơn gió mạnh, dông bão đi qua. Chúng cháu biết đến Trường Sa qua ánh sáng của nhà giàn DK1, ngọn hải đăng bừng sáng chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nơi các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ... Thật ngưỡng mộ và biết ơn công lao các chú biết bao! Không biết là nơi xa ấy, các chú có tốt không ạ, điều kiện sống của các chú chắc hẳn phải khó khăn lắm, nào là thiếu nước ngọt, thiếu vật chất, nào là đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết. Các chú nhớ mang áo ấm để giữ sức khỏe…”.
Đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn bức thư đã được chuyển đến tận tay các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1. Những dòng thư tay nắn nót, tỉ mỉ, gửi trọn yêu thương của những các em học sinh hướng tới các anh…
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thanh Hằng (ngụ TPHCM) đã nhiều lần kêu gọi bạn bè, người thân, đồng nghiệp ủng hộ quà, nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Là một doanh nhân đang làm kinh tế tại TPHCM, chị Thanh Hằng chia sẻ, bản thân nhận thấy việc quan tâm, đóng góp các vật phẩm cho các chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ ở Trường Sa, nhà giàn DK1 và bà con ngư dân vươn khơi bám biển là cần thiết để tri ân những người đã bảo vệ biển đảo, biên cương đất nước. Đây cũng là tình cảm và trách nhiệm của những doanh nhân chân chính và có ý thức với xã hội, cộng đồng.
Đầu tháng 1-2024, sau nhiều năm ấp ủ, chị Hằng đã được đặt chân lên các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong chuyến công tác với Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân.
“Từ đáy lòng, tôi cảm phục sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ chiến sĩ. Các anh phải xa gia đình, người thân để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc với muôn vàn khó khăn, sóng gió. Chuyến đi cũng cho tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, trân trọng những giây phút bình yên của một đất nước độc lập, tự do và hòa bình. Sau chuyến đi, tôi chợt thấy mọi khó khăn, vất vả thường ngày, nỗi lo cơm áo, gạo tiền quả là nhỏ bé so với sự hy sinh của nhiều người để bảo vệ Tổ quốc”, chị Hằng xúc động chia sẻ.
Liên tục nhiều năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu TPHCM đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong các chuyến đi, đoàn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; tặng các công trình phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ và người dân tại các đảo và nhà giàn…