Đại dịch Covid-19 bùng nổ và những hạn chế đối với các dịch vụ nhà hàng ăn uống đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bị tổn hại nặng nề, buộc phải thu nhỏ quy mô, thậm chí đóng cửa vì phá sản. Lãng phí thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh luôn làm cho mọi kế hoạch bị thay đổi, xáo trộn, khiến cho chủ nhà hàng, cửa hàng khó có thể dự báo chính xác lượng nguyên liệu hoặc thực phẩm sẽ được bán mỗi ngày hoặc mỗi tuần.
Theo Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA), chỉ trong năm 2020, Singapore đã thải ra 665.000 tấn rác thải thực phẩm, tương đương hơn 1,7 tỷ phần cơm gà. Rất nhiều trong số rác thải thực phẩm này là thực phẩm hoàn toàn ngon và còn thời hạn sử dụng. Không chỉ có cơm gà, mà còn có bánh ngọt, kẹo, bánh mì, cả bia cho người sành ăn, thậm chí như xà lách và bơ hạt - những thực phẩm đắt đỏ mua từng gram chứ ít người dám mua số lượng lớn. Phần lớn thực phẩm dư thừa là từ các sự kiện bị hủy bỏ đột xuất (trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 càng xảy ra nhiều hơn), thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, các mặt hàng có lỗi thẩm mỹ nhẹ, nguyên liệu dư thừa đã được rã đông từ đơn đặt hàng bị sai…
Đứng trước thực trạng này, Jennifer Widjaja, một trong những nhà đồng sáng lập “chợ xanh” Just Dabao, đã kết nối người tiêu dùng với thực phẩm dư thừa từ hơn 400 doanh nghiệp khắp Singapore. Lisa, bạn của Widjaja, một đầu bếp bánh ngọt đã phải đóng cửa công việc kinh doanh của mình. Và kết cục buồn của Lisa đã thôi thúc Widjaja tiếp cận với các doanh nhân kinh doanh thực phẩm để tìm hiểu về những vấn đề mà họ phải đối mặt. Đến tháng 7-2020, Widjaja rời bỏ công việc phân tích tài chính tại Bloomberg để bắt đầu khởi nghiệp cho Just Dabao. Về cơ bản, Just Dabao đã kết hợp được 2 trong số những sở thích lớn nhất của người Singapore, đó là đồ ăn và giá rẻ. Nền tảng này được thiết kế để cho phép các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bán sản phẩm dư thừa với giá giảm từ 30%-40%, thậm chí 50% so với giá gốc.
Just Dabao không thực sự là một nền tảng tạo ra lợi nhuận mà là một nền tảng tiết kiệm chi phí cho các doanh nhân, giúp họ thu lại khoản lỗ. Vì đặc thù của lĩnh vực thực phẩm là chi phí nguyên liệu chiếm từ 20%-30% giá món ăn, nên họ mong muốn giúp các doanh nhân thu hồi một phần chi phí chìm đó. Việc giảm giá 50% đối với thực phẩm dư thừa khuyến khích người tiêu dùng giúp “dọn sạch” thực phẩm, đồng thời mang lại cho người tiêu dùng khoản tiết kiệm trung bình 50%. Tính đến tháng 2-2021, Just Dabao đã giúp tiết kiệm được 5 tấn thực phẩm, tương đương 7.500 bữa ăn hoặc tương đương với 12,5 tấn khí thải carbon.
Lãng phí thực phẩm là một vấn đề không nhiều người nhìn thấy, điều này càng khiến vấn đề trở nên đáng sợ hơn. Và, doanh nhân Jennifer Widjaja của “chợ xanh” Just Dabao (ảnh), dù đang giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm từng bữa một, nhưng vẫn là một điển hình phụ nữ tham gia vào con đường phát triển bền vững của quốc gia, như trang CNA nhận định.