Rạng sáng 15-1, Đoàn công tác của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tình hình thị trường và công tác chuẩn bị hàng hóa đảm bảo cung - cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Quý Mão 2023 tại 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Tiểu thương kinh doanh tại Chợ đầu mối Bình Điền, rạng sáng 15-1. Ảnh: CAO THĂNG |
Khó kiểm soát chợ tự phát “ăn theo”
Thực tế kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng vấn đề quản lý trong chợ đã được thực hiện tốt khi Ban quản lý chợ phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM giám sát chặt chẽ thực phẩm về chợ mỗi đêm. Các tiểu thương trong các chợ đầu mối tuân thủ tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm cũng như các kết quả test nhanh không chứa chất cấm vượt mức cho phép. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm tại các điểm bán “ăn theo” xung quanh chợ đầu mối lại chưa thể kiểm soát.
Cụ thể, tại Chợ đầu mối Bình Điền, dọc 2 con đường Nguyễn Văn Linh và Quản Trọng Linh dẫn vào chợ là khung cảnh buôn bán náo nhiệt, sầm uất hơn cả trong chợ.
Lý giải vấn đề này, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối Bình Điền cho biết, việc xử lý người dân buôn bán bên ngoài chợ chưa được triệt để, bởi do đây là địa bàn giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh. Ban quản lý chợ đã nhiều lần đề nghị chính quyền 2 địa phương vào cuộc nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tết tại Chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: CAO THĂNG |
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Chợ đầu mối Thủ Đức và Chợ đầu mối Hóc Môn.
Bà Lê Thụy Mỹ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn thừa nhận, vấn đề kiểm soát chợ tự phát ăn theo Chợ đầu mối Hóc Môn gặp nhiều vướng mắc bởi nhiều lý do và xung quanh chợ là khu dân cư thuộc địa bàn 3 xã và công tác phối hợp giữa 3 xã chưa thực sự đồng bộ và mang lại hiệu quả.
“Trong năm 2022, UBND huyện đã triển khai các đợt ra quân ráo riết để xử lý dứt điểm tình trạng này nhưng do chế tài, xử phạt chưa đủ sức răn đe (xử phạt chỉ 40.000 - 50.000 đồng/trường hợp), người bán thay đổi liên tục, địa điểm bán cũng di động và người bán thường canh lúc lực lượng chức năng vắng mặt bày hàng ra bán… khiến cho chính quyền địa phương bất lực. Một số hộ kinh doanh bên ngoài thì đã được cấp giấy phép nên cũng không thể xử phạt”, bà Lê Thụy Mỹ Châu thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khảo sát an toàn thực phẩm tết tại Chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG |
Tiểu thương kinh doanh tại Chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG |
Cần phải xử lý dứt điểm
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, việc cả 3 chợ đầu mối đều bị chợ tự phát ăn theo là vấn đề đáng quan tâm và cần phải xử lý dứt điểm.
“Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Sở Công Thương TPHCM phải làm việc với chính quyền các địa phương để giải quyết dứt điểm vấn đề này, bởi chợ tự phát lấn át chợ đầu mối gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và nguồn thu thuế của Nhà nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, đồng thời đặt vấn đề có hay không hiện tượng buông lỏng, “nhắm mắt làm ngơ” của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng?
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các tiểu thương trong chợ bằng cách dẹp bỏ các chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối.
Tiểu thương kinh doanh tại Chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG |
"Khi kinh doanh trong chợ, tiểu thương phải chịu đóng các loại thuế, phí, phải tuân thủ vấn đề an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, còn bên ngoài thì không phải chịu những điều này nên giá thành rẻ hơn, bán dễ dàng hơn thì tiểu thương họ bỏ chợ ra ngoài là điều dễ hiểu”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khảo sát an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG |
Đồng chí cũng yêu cầu, xử lý nghiêm việc buôn bán kinh doanh tự phát nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người dân mưu sinh bằng cách có thể để cho họ bán bên ngoài chợ nếu trong chợ quá chật hẹp nhưng hướng dẫn tiểu thương tuân thủ các quy định pháp luật như đăng ký kinh doanh, đóng thuế, đảm bảo quy định an toàn thực phẩm…
Hàng hóa dồi dào, ít biến động về giá
Theo báo cáo của ban quản lý các chợ đầu mối, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng thực phẩm về chợ dồi dào và dự báo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại Chợ đầu mối Hóc Môn, từ đầu tháng Chạp Âm lịch đến nay, lượng hàng về chợ mỗi đêm bình quân đạt 2.540 tấn, tăng khoảng 9% so với ngày bình quân năm 2022. Đặc biệt, dự kiến 6 ngày cao điểm trước Tết, lượng hàng tăng khoảng 20% so với ngày bình thường. Trong đó, tăng cao nhất là ngày 27 tháng Chạp với khoảng 4.000 tấn.
Tại Chợ đầu mối Thủ Đức cũng tăng sản lượng thực phẩm về chợ trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Trong đó, các loại rau từ 1.800-2.000 tấn/đêm, tăng 20% so với ngày thường, trái cây từ 2.200-4.000 tấn/đêm, tăng 100% so với ngày thường.
Còn tại Chợ đầu mối Bình Điền, trong 2 tuần cận Tết tăng bình quân với mức 20% - 35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (dự kiến từ 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 30 - 50%, đạt khoảng 3.800 đến 4.800 tấn/đêm.
Về giá cả, hàng hóa trong dịp tết biến động tăng thông thường vào thời điểm từ 25 - 28 tháng Chạp. Một số mặt hàng như cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, quýt đường, cải thảo sẽ tăng giá mạnh từ 10% đến 30%; còn mặt hàng hoa tươi như hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng tăng giá từ 2 đến 3 lần lúc bình thường; còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đây là tín hiệu vui bởi sau thời gian dịch Covid-19 bùng phát, TPHCM đang có những bước phục hồi mạnh mẽ. Đồng thời hy vọng công tác giám sát và quản lý thực phẩm về chợ mỗi đêm tiếp tục được 3 đơn vị triển khai quyết liệt hơn nhằm đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm an toàn cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.