Livestream, giao hàng tận nơi…
Chiều 11-12, tại một sạp quần áo nằm ở phía dãy A chợ An Đông (đường An Dương Vương, quận 5), vài tiểu thương đang hướng dẫn nhau cách livestream (quay video phát trực tiếp) bán hàng. Xung quanh, nhiều khách hàng trung niên đang lựa chọn quần, áo các loại. Đây cũng là một trong những điểm bán hàng nhộn nhịp, thu hút nhiều khách mua hàng trực tiếp tại chợ. Bà T. (gần 70 tuổi), ngụ tại quận Tân Bình, khách hàng mới của sạp Thái Trang, cho biết, bà có thói quen mua quần áo tại các trung tâm thương mại hoặc sạp của người quen, nhưng từ khi thấy sạp Thái Trang livestream với nhiều mẫu mã đẹp, giá phải chăng nên đã đến tận nơi lựa hàng. Chị Thái Trang, chủ sạp chia sẻ, doanh số của cơ sở (chị Trang có xưởng may riêng, chuyên thiết kế theo đơn đặt hàng sỉ hoặc lẻ) có thời điểm sụt giảm 70%.
Với trăn trở không để công nhân nghỉ việc, thất nghiệp, chị Trang đã tìm hiểu và thực hiện livestream bán hàng, sử dụng người mẫu “cây nhà lá vườn” giới thiệu sản phẩm. Trước kia, chi phí thuê mẫu ảnh khoảng 1,5 triệu đồng/người cho 5 mẫu sản phẩm, nhưng lượng khách không có; còn nay khoản chi này được cắt giảm, tập trung cho bán hàng qua mạng xã hội.
Khách hàng đến tham quan, lựa đồ còn được tư vấn trực tiếp về kiểu dáng đồ sao cho phù hợp màu da, đồng thời được may đo vừa vặn dáng người… “Khách theo dõi trực tuyến muốn thấy rõ từng đường kim, mũi chỉ được may chắc chắn ra sao, chất liệu vải, kiểu dáng thế nào… Chúng tôi bán hàng kiểu có sao nói vậy, người thật việc thật, nên đơn hàng từ khách sỉ và lẻ tăng dần sau vài tuần thí điểm livestream”, chị Thái Trang nói.
Hiện tại, không riêng tiểu thương chợ An Đông, mà tiểu thương tại các chợ khác như Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình)… cũng tập tành bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok…
Tiểu thương Ứng Thị Liên, gần 70 tuổi, chuyên ngành hàng bánh kẹo khoảng 50 năm nay tại chợ Bình Tây, cho biết, mãi lực tại chợ khá yếu, nhưng sức mua hàng thông qua mạng xã hội lại tăng. Nhóm khách của bà Liên cũng như một số sạp có áp dụng bán hàng qua mạng xã hội đã nhích dần. Dù chưa được như kỳ vọng nhưng điều này cũng là tín hiệu tích cực, cho thấy “bức tranh sáng màu” khi áp dụng công nghệ vào bán hàng.
Khuyến mãi quy mô lớn
Chiều 11-12, Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình khuyến mãi hàng hiệu đợt 2, mang tên “Flash sale Holiday”, dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17-12 tại Trung tâm thương mại Union Square (quận 1). Chương trình do Sở Công thương TPHCM phối hợp UBND quận 1 tổ chức, thuộc chuỗi chương trình “Khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm Shopping Season năm 2023”. Theo đó, sự kiện có gần 60 đơn vị tham gia với gần 170 gian hàng, giới thiệu 400-500 nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với mức khuyến mãi lên đến 90%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đăng ký cụ thể nhãn hiệu kèm hình thức khuyến mãi nhằm tránh trùng lặp nhãn hàng, sản phẩm… Bên cạnh đó, tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM cũng cho biết, sẽ hưởng ứng chương trình khuyến mãi dịp mua sắm cuối năm này với nhiều mặt hàng, gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm...
Tại chợ Bến Thành, cách nay vài ngày, một số tiểu thương cũng được TikTok tập huấn livestream bán hàng, thu hút khách. Chia sẻ với PV Báo SGGP, đại diện ban quản lý chợ cho hay, số lượng tiểu thương chuyển đổi, áp dụng công nghệ để thích ứng với xu thế mới ngày càng tăng; từng bước cải thiện mãi lực, doanh thu. Tương tự, tại chợ Bình Tây, việc bán hàng qua các trang mạng xã hội đã rất phổ biến, còn việc livestream tại chợ khá mới, nên còn nhiều bỡ ngỡ.
Chất lượng ổn định, nguồn gốc rõ ràng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc quảng bá, bán hàng là xu thế tất yếu. Tuy vậy, song hành cùng với đó là việc rà soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, nhằm mang đến cho người mua những sản phẩm tương xứng với giá tiền bỏ ra. Thông tin này cũng được một số chuyên gia, lãnh đạo sở ngành xác nhận tại “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” diễn ra ngày 11-12 tại Vạn Hạnh Mall (quận 10). Dự tính, từ ngày 13 đến 16-12, có gần 100 người có ảnh hưởng trên mạng (KOL) được mời đến chợ Bến Thành để livestream bán hàng, quảng bá du lịch…
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng thương mại lớn, góp phần tạo tiền đề đẩy mạnh kinh tế số. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng cũng được xem như cuộc trình diễn, tính tương tác cao và nhà nước phải đi trước giúp các nhà sáng tạo biết giới hạn, tuân thủ quy định pháp luật…
Về phía đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh nhìn nhận, chương trình quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử có sự ủng hộ tích cực của chính quyền là cơ hội để tiểu thương mạnh dạn làm quen với hình thức bán hàng qua TikTok cũng như các trang mạng xã hội khác, từng bước tạo công ăn việc làm, tăng doanh thu… Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ cũng đánh giá, thương mại điện tử trên mạng xã hội, trong đó có livestream bán hàng, đã chứng minh tiềm năng phát triển thị phần.
Điển hình như “cú” lên sóng mới đây ở huyện Cần Giờ của đại diện OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã quy tụ các TikToker, KOLs, KOCs có tiếng trên cả nước, bắt đúng thị hiếu khách hàng, giúp doanh thu tăng khoảng 10 lần so với dự kiến chỉ sau thời gian 5 giờ đồng hồ phát sóng. Thương mại điện tử, trong đó có bán hàng trực tuyến, được các chuyên gia cho biết là ngành kinh doanh giàu tiềm năng, có thể lên tới hàng chục tỷ USD (tại TPHCM). Đối với các chợ truyền thống, việc thích ứng nhanh chóng, chuyển đổi kinh doanh kịp thời chính là lối ra duy nhất trong bối cảnh sức mua sụt giảm; đồng thời tiểu thương cũng cần chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng… mới có thể giữ chân được khách lâu dài.
- Ông THÁI DOÃN HỒNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Công đoàn TPHCM:
Trở thành điểm đến đáng tin cậy của du khách
Một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6)… là điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước bởi rất nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là kiến trúc. Thế nhưng, mãi lực nói chung của các chợ khá èo uột và thực trạng này khó tránh khỏi khi xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi. Trước thực trạng này, về phía tiểu thương cần chủ động hơn, như nâng cấp chất lượng hàng hóa, bán hàng văn minh, không “chặt chém” khách, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, niêm yết công khai, tăng cường dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp chợ… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy bán hàng qua kênh trực tuyến. Về lâu dài, cần hướng đến mô hình chợ truyền thống văn minh, hiện đại, thực sự trở thành điểm đến đáng tin cậy của du khách trong và ngoài nước.
Bà NGUYỄN THỤY HOÀNG OANH, ngụ đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp, TPHCM):
Gọn gàng, sạch đẹp thì khách sẽ đến
Tôi thường đi chợ truyền thống, nhưng đi nhanh rồi về. Ngoại trừ các chợ nổi tiếng, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, thì nhìn chung chợ truyền thống vẫn chưa được sạch đẹp như kỳ vọng. Ngồi ăn uống tại chợ mà mùi ống cống hôi rình, thì món ăn ngon đến mấy cũng không thể “cảm” cho được. Thêm nữa, tiếng chửi bới, nói tục chửi thề vẫn thường xuyên diễn ra khiến người nghe thấy ngượng. Song song đó, tình trạng bày bán các mặt hàng trôi nổi, giả mạo thương hiệu cũng khá nhiều…
Điều này khiến cho sức hút của chợ truyền thống bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Thái Lan, họ làm du lịch rất tốt bởi khách vào trong chợ có thể ăn uống thoải mái, không sợ mất vệ sinh, vì người bán hàng ý thức rất rõ việc đảm bảo uy tín cho thương hiệu của mình. Du khách đến một lần rồi thôi, đồng nghĩa với việc người dân mất đi thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống. Rất mong có nhiều buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ hơn cho bà con tiểu thương, giúp người bán biết trân quý khách hàng của mình, giữ cho uy tín và thương hiệu của chợ truyền thống ngày càng lâu bền; từ đó khách sẽ đến nhiều hơn, chợ sẽ “sống” được.