Chợ truyền thống dần mở lại, chợ tự phát mọc nhiều nơi
SGGP
Dù còn e dè nhưng nhiều chợ đầu mối cũng như chợ truyền thống ở TPHCM đã bắt đầu tăng lượng hàng nhập về và mở cửa đón khách. Đáng nói, nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối và chợ truyền thống phản ánh họ vẫn rất lo chợ tự phát bao vây, giành hàng và khách.
Tiểu thương thăm dò tình hình
Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến ngày 5-10 có 21/237 chợ truyền thống trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số sạp tham gia còn khiêm tốn, chưa đến 30%.
Ghi nhận của PV Báo SGGP tại một số chợ như Bến Thành (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cho thấy, ban quản lý và tiểu thương các chợ này vẫn đang thăm dò thị trường lẫn tình hình dịch bệnh nên chỉ hoạt động ở một số nhóm hàng như thực phẩm khô, rau củ quả, thịt, cá… Chẳng hạn, tại chợ Bà Chiểu có hơn 1.300 sạp, nhưng số lượng tiểu thương đăng ký tham gia mới khoảng 200 sạp. Chợ Bến Thành có khoảng 70 sạp tham gia kinh doanh…
Khách hàng đến chợ cũng không đông. Chị Nguyễn Thu Tâm (ngụ quận 4) chia sẻ về lý do đi chợ: “Nghe tin chợ Bến Thành mở bán trở lại nên tôi tới để mua ít đồ tươi về cho gia đình ăn. Siêu thị gần nhà cũng có bán, nhưng tôi ngại xếp hàng cũng như không muốn vào không gian kín nên tới chợ cho thoải mái”. Chị Tâm cũng như tất cả khách hàng đều đeo khẩu trang và tuân thủ xịt khuẩn trước khi vào chợ.
Trước đó, UBND TPHCM và Sở Công thương đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lên phương án mở lại chợ trong điều kiện phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Hiện các phòng kinh tế quận, huyện và TP Thủ Đức đang ráo riết hoàn chỉnh phương án khả thi nhất theo Bộ tiêu chí và kêu gọi tiểu thương đảm bảo điều kiện đăng ký để sớm đưa các chợ truyền thống trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” từ ngày 10-10.
Trong khi đó, các chợ đầu mối từ lúc được mở điểm trung chuyển đến nay đã thu hút khoảng 50% trong tổng sản lượng được giao (200 tấn/ngày) về chợ. Đây là con số đáng ghi nhận, nếu so với thời điểm trước ngày 1-10, có đêm không có ký hàng nào nhập/xuất chợ. Với việc chợ truyền thống ở khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức đang dần được mở lại, tiểu thương cũng như ban quản lý các chợ đầu mối kỳ vọng sắp tới có thể tăng lượng hàng nhập về.
Chợ tự phát bủa vây
Từ 22 giờ đến 24 giờ ngày 5-10, cảnh mua bán quanh khu vực chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) khá náo nhiệt, không khí không khác chợ tết dù thành phố vẫn đang lưu ý người dân thực hiện nghiêm quy tắc 5K, không chủ quan với dịch Covid-19. Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài hơn 1km trước khi rẽ vào chợ, hàng chục xe tải lớn lẫn xe container đậu bên lề đường để xuống hàng tập kết, gây cản trở giao thông. Còn tại đường Quản Trọng Linh dẫn vào cổng chợ dài khoảng 0,5km, hai bên đường nhộn nhịp mua bán, lên xuống hàng với đủ loại xe gây tắc đường. Các sạp mua bán và rác thải chen lẫn nhau chiếm gần 1/2 đường.
Chợ truyền thống cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhóm tự phát bán hàng tươi sống online (hầu như chưa được cơ quan chức năng cho hoạt động). Các nhóm này hình thành trong thời điểm thành phố thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và hiện đã có được một số khách hàng quen. Hàng hóa của các nhóm này do không phải chịu thuế, không chịu các quy định nghiêm về phòng chống dịch nên rẻ hơn giá ở chợ, thậm chí rẻ hơn cả siêu thị khoảng 20%-30% tùy loại.
Đáng chú ý, gần KDC Bình Điền, Bến Lức, chợ tự phát mua bán tấp nập. Người dân lỡ rẽ vào KDC Bình Điền phải loay hoay khoảng 30 phút mới có thể thoát ra ngoài do xe tải, container lên xuống hàng ngay ở các ngã tư, gây kẹt đường. “Từ đầu tháng 10 đến nay, cứ tối là có đủ các loại xe ra vào lên xuống hàng và mua bán tấp nập ở đây. Chúng tôi mất ngủ đã đành, nhưng lo nhất là dịch bệnh tái phát do họ tập trung quá đông”, bác Hoàng (sống tại KDC Bình Điền) lo lắng. Gần đó, có nhiều bãi xe như Tân Kỷ (huyện Bình Chánh giáp ranh) rộng hơn cả hécta cũng được “trưng dụng” để làm điểm mua bán thay vì phải vào bên trong chợ đầu mối Bình Điền.
Chợ tự phát quanh khu vực chợ đầu mối Bình Điền
Rạng sáng cùng ngày, quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn, cảnh lên xuống hàng, trao đổi mua bán náo nhiệt cũng diễn ra ở hầu hết những tuyến đường như Nguyễn Thị Sóc, Lê Thị Hà, QL 22 và các tuyến nội bộ như đường số 10, 3, 4… Tại đây, ngoài xe tải, container đậu dọc hai bên đường xuống hàng qua xe tải nhỏ, ba gác để chở đi, hầu hết những căn nhà mặt tiền đường lớn đều được sử dụng để bày hàng ra bán. “Họ mua bán công khai cả ngày lẫn đêm, quy mô hàng hóa ở mỗi căn nhà này còn lớn hơn cả ô vựa bên trong chợ. Vậy nên hiện thương nhân trong chợ dần rút bớt”, một bảo vệ chợ đầu mối Hóc Môn nói. Theo khảo sát của các chợ đầu mối, sản lượng hàng hóa mua bán của chợ tự phát nêu trên mỗi đêm khoảng 1.000 tấn các loại. Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, tiểu thương rất bức xúc nhìn cảnh thương nhân xuống hàng bán bên ngoài chợ như dọc hai bên QL 1, các bãi xe hay đường Ngô Chí Quốc, tỉnh lộ 43…, dù chợ đang có kế hoạch tăng sản lượng hàng về chợ.
Tương tự, đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền cũng phản ánh: Dự kiến cuối tháng 10 sẽ đưa chợ vào hoạt động với khoảng 30% công suất, tương đương thu hút khoảng 600 thương nhân. Tuy nhiên, việc buôn bán tràn lan bên ngoài dễ dàng và không tốn thêm chi phí có thể khiến thương nhân chưa muốn đăng ký vào chợ. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là việc mua bán bên ngoài chợ không được kiểm soát phòng chống dịch dịch, nên ảnh hưởng rất lớn đến chợ nếu khu bên ngoài có ca mắc Covid-19.”, đại diện Công ty Quản lý chợ Bình Điền lo lắng nói.
Đại diện công ty quản lý các chợ đầu mối bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tự phát. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nặng trường hợp kinh doanh không có giấy phép, lên xuống hàng gây cản trở giao thông, đặc biệt là không đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, đơn vị cũng đề xuất cơ quan chức năng xem xét nới lỏng một số quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương chợ truyền thống nhập hàng về.
UBND phường, xã chịu trách nhiệm về chợ tự phát
UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh tự phát nông sản, thực phẩm khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối. UBND TPHCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, UBND quận 8 và UBND huyện Hóc Môn khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19; không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản, thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối. Đồng thời, phối hợp Công an TPHCM và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, nghiên cứu, triển khai lắp đặt camera giám sát giao thông, theo dõi để xử lý.
Trong trường hợp để tái diễn tình trạng phát sinh các điểm kinh doanh tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối, chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm giải trình trước UBND TPHCM. UBND TPHCM cũng giao Công an TPHCM chỉ đạo công an các địa phương bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý trường hợp vi phạm, đặc biệt là hành vi tụ tập đông người, không đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19, hành vi dừng đỗ xe, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
NGUYỄN VĂN DIỆU
Hàng hóa đảm bảo, không sốt giá
Ngày 5-10, Sở Công thương TPHCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn trong 9 tháng của năm 2021 ước đạt 368.125 tỷ đồng, giảm 13,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,0%). Nhằm cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm 2021, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa.
Theo đánh giá của Sở Công thương, lượng hàng hóa cung ứng tại các siêu thị đang ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Công tác dự trữ hàng hóa được doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện, sẵn sàng cung ứng, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Người dân đã dần chuyển từ cách mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ bán lẻ trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo lưu thông, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa gây sốt giá.