Cho trẻ nhảy theo TikTok: Lắng nghe để phát huy mặt tốt

“Phản cảm”, “uốn éo”, “học đòi” là những từ phụ huynh có con nhỏ thường nghĩ về các trào lưu nhảy TikTok. Thế nhưng thay vì cấm con dùng ứng dụng này, nhiều phụ huynh đăng ký cho trẻ tham gia lớp nhảy TikTok, biến những cản trở rất thời đại thành niềm vui, thế mạnh của trẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Một buổi luyện tập nhảy TikTok của các em từ 6-14 tuổi
Một buổi luyện tập nhảy TikTok của các em từ 6-14 tuổi

Không tách trẻ khỏi thời cuộc

Nửa năm nay, 18 giờ mỗi cuối tuần, chị Ngọc Bích (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) đều chở con gái 9 tuổi đến lớp học nhảy TikTok. Trước đây, chính chị cũng “không thể cảm nổi” các điệu nhảy trên TikTok. Sợ con hư sớm, yêu sớm, và quá ham thích những thứ “trendy” (xu hướng) vô bổ, chị cũng cấm con tiếp xúc với mạng xã hội này. “Nhưng rồi con vào lớp, bạn bè ai cũng biết và nói tới những thứ trên mạng, chỉ con là không, tôi bắt đầu cảm thấy không ổn. Mình cứ cấm tất cả thì dần con sẽ có lỗ hổng lớn, khó hòa nhập về sau. Tôi tìm cách tiếp nhận những điều tích cực nhất để cùng con tham gia mạng xã hội này”, chị Ngọc Bích chia sẻ.

Bé Anh Thư (con gái chị Bích) tỏ ra thích thú với những điệu nhạc bắt tai trên ứng dụng này, bé hay lẩm nhẩm hát theo trên đường mẹ chở đi học về, mỗi khi nghỉ giải lao, ăn tối, tay chân bắt đầu múa máy vụng về theo các điệu nhảy đi kèm bài nhạc. Cùng con dùng mạng xã hội, chị Bích nhận ra việc không đơn giản là giới hạn thời gian xem và theo dõi sát con xem nội dung gì. “Tôi không biết biên đạo, không rành văn nghệ, nhưng cũng thấy bé thích ca hát, nhảy múa là một sở thích chính đáng. Tôi thỏa thuận: mẹ đăng ký cho con học nhảy ở trung tâm uy tín, về phần con, vẫn phải đảm bảo kết quả học và những gì mẹ và thầy cô dặn là không phù hợp, nếu con lén làm theo, mẹ sẽ cho nghỉ học nhảy và cắt mạng lập tức”. Bé rất vui vẻ đồng ý với mẹ, hiện bé Anh Thư đã theo học nhảy được 6 tháng.

Giống với chị Bích, anh Quốc Phương (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) có con gái 12 tuổi, độ tuổi dậy thì có phần “khó bảo” và thân thiết với bạn bè hơn với gia đình. Con gái chủ động tìm lớp nhảy TikTok trên mạng và xin cha mẹ cho tham gia. Với triết lý nuôi dạy linh hoạt, mềm mỏng, chú trọng hướng dẫn con thích nghi hơn là cấm đoán, gia đình anh Phương chấp thuận mong muốn của cháu. Anh Phương nhớ lại: “Ban đầu nghe tới TikTok là không cảm tình, nhưng sau đó tôi có gặp gỡ, nói chuyện với các phụ huynh khác có con cùng lứa tuổi, tâm lý với con mình thì thấy rất thích sự cởi mở, tin tưởng “sức đề kháng” với cái xấu của con. Về nhà, tôi khuyến khích cháu trình diễn những gì đã học cho cả nhà, để xem có phù hợp hay không”.

Hướng dẫn trẻ kỹ năng tham gia TikTok

Các lớp học nhảy cho thiếu nhi tại các thành phố lớn dần mọc lên khoảng một năm nay. Tham gia dạy nhảy 12 năm, bắt đầu mở lớp hướng dẫn nhảy TikTok cho thiếu nhi từ khi TikTok mới gia nhập thị trường giải trí Việt Nam, anh Đỗ Quang Minh (34 tuổi, ngụ tại Hà Nội, Giám đốc sáng tạo Trung tâm nghệ thuật Le Cirque) chia sẻ: “Các trend TikTok không phải xấu, chỉ là phù hợp, hay không phù hợp với đối tượng nhảy mà thôi”.

Theo anh Quang Minh, khi dạy cho thiếu nhi, thầy cô có những “nội quy lớp”. Thứ nhất, nếu đoạn nhạc trend có câu từ nhạy cảm, phản cảm thì chẳng những thầy không dạy nhảy đoạn đấy, mà bé cũng không được tự nhảy, tự quay ở nhà. Thứ hai, với những động tác đang nổi trên mạng, thầy sẽ biên đạo lại trên tinh thần đảm bảo phù hợp lứa tuổi của các em và không đánh mất sự năng động hoặc dễ thương. Thứ ba, thầy cô sẽ dạy bé cách ăn mặc hiện đại, đẹp nhưng phải hợp lý, tuyệt đối không phản cảm..., thầy cô cũng sẽ hướng dẫn bé có trách nhiệm khi quay chụp, đăng hình ảnh của mình lên mạng. Các bé đều hiểu và tuân thủ.

Một tuần TikTok có thể nổi lên vài trend nhạc, việc chọn nhạc và động tác đưa vào lớp như thế nào tùy thuộc vào bản lĩnh của giáo viên. Chị Tuyết Giang (sinh năm 1985, quản lý Trung tâm Saigon Dance) cho biết: “Bản thân người quản lý các lớp nhảy cũng làm cha làm mẹ, thế nên không bao giờ chấp nhận những động tác uốn éo, hay khêu gợi trong lớp có các em tham gia. Ngay cả khi trẻ và người lớn cùng tham gia lớp thì phần “thiệt thòi” hơn luôn thuộc về các học viên lớn, ưu tiên các động tác phù hợp với các em”.

Các bé tiếp cận TikTok rất hồn nhiên, có em vào lớp khoe “hôm nay con mặc áo của mẹ đi học” nên chỉ cần phát huy sự dễ thương, bé đã có thể thể hiện 1 clip đẹp. Không nhất thiết phải lệ thuộc vào xu hướng có sẵn, các thầy cô có thể biên đạo sáng tạo, khác biệt hơn. Cuối mỗi buổi học, cả lớp rủ nhau cùng quay “trend tự tạo”, tự đăng, tự đẩy nhiều lượt xem cho nhau rất vui. Và dĩ nhiên quyền sử dụng các clip này vẫn tùy thuộc vào gia đình bé.

Tin cùng chuyên mục