Tết là má, là bánh tráng dừa ngọt thơm cả giấc mơ
Tết Giáp Thìn 2024 là cái tết thứ 15 tôi vắng má. Tháng năm mải miết chảy trôi như chỉ khiến những ký ức tết xưa trong lòng thêm đậm đà vị hạnh phúc, thêm lấp lánh màu yêu thương. Dẫu vậy, biết bao lần tôi vẫn khe khẽ ước ao chuyến tàu cuộc đời có thể bán cho mình một vé về ngày cũ.
Mấy chục năm trước, cả làng Rau Răm mộc mạc của tôi (nay là xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chỉ có vài lò tráng bánh thủ công. Hễ tháng Chạp về là người người í ới rủ nhau đội gạo, vác dừa, xách mè, mang đường tới lò bánh tráng để làm bánh ăn tết. Nhà nào cũng đi hai ba người để phụ chủ lò tráng bánh, phơi bánh, lật bánh khi bánh vừa khô tới. Mỗi người một việc, tiếng chân bước, tiếng cười giòn giã, tiếng trò chuyện rôm rả trong tiếng lửa tí ta tí tách khiến bao mệt nhọc như tan theo làn khói.
Bánh tráng ăn tết gồm hai loại: loại dày, ngọt, dùng nướng ăn chơi, uống kèm nước trà nóng; loại mỏng, hơi mằn mặn, dùng nhúng nước rồi cuốn dưa leo, rau sống, chuối chát, khế chua, bún tươi, cá nướng, thịt luộc, tép rang, chấm nước mắm chua ngọt hoặc nước thịt kho tàu.
Bánh tráng được làm từ gạo ngon, nước cốt dừa béo ngậy, mè thơm và quan trọng nhất là những đôi tay khéo léo, cần cù thức khuya dậy sớm. Mỗi chiếc bánh đẹp mắt, ăn tới đâu mê tới đó là kết quả của rất nhiều sự vừa đủ: vừa đủ nước, vừa đủ gạo, vừa đủ nước cốt dừa, vừa đủ mè, vừa đủ lửa, vừa đủ khéo tay tráng không quá dày không quá mỏng, vừa đủ nắng phơi.
Để có đủ bánh tráng cho cả làng ăn tết, các lò bánh tráng thường đỏ lửa tới tận 30 tết. Tiền công cho các chủ lò bánh ngày ấy thường không phải tiền mặt mà là phần dư ra từ những nguyên liệu bà con mang tới. Chủ lò sẽ dùng chúng làm bánh tráng rồi mang ra chợ bán.
Từ tháng 11 âm lịch, má tôi đã cập rập tuyển lựa gạo, dừa, đường, mè; đặt lịch tráng bánh ở lò bánh cô Hai vì má biết hễ tháng Chạp là cô Hai kín lịch như ca sĩ cải lương nức tiếng. Rồi má sẽ dặn tôi: “Bây coi lo ngủ sớm rồi mai dậy sớm, đội thúng gạo theo má đi tráng bánh ăn tết nghen!”.
Câu nói đó đủ khiến lòng dạ tôi nhảy tưng tưng sung sướng, chộn rộn đến mức ngủ không yên. Hậu quả là mười lần như chục tôi… ngủ nướng khét lẹt tới lúc trời sáng bửng. Má phải giở mùng, thò đầu vô, vừa đét chân tôi một phát vừa cằn nhằn:“Sao giờ này bây còn chưa dậy? Con gái con đứa gì mà ngủ trưa trờ trưa trật, sau này ai thèm lấy?”.
Tôi giựt mình, phóng như tên bắn ra khỏi giường, chặp sau đã đội thúng gạo trên đầu, hớn ha hớn hở theo má tới lò bánh. Má đi thoăn thoắt, đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, hai tay xách hai cái giỏ đệm đựng đủ thứ đồ.
Bánh làm ra, phần để nhà ăn suốt tháng Giêng, phần má biểu tôi đem tặng chòm xóm mỗi nhà vài cái “ăn lấy thảo cho tình cảm”, dù không chừng nhà đó đã có sẵn chồng bánh.
Tết này, con sẽ thay má nướng bánh tráng cho ba
Nhớ lắm, thương lắm những đêm xuân, cả nhà trải chiếu dưới gốc bưởi, ba gom lá vú sữa nhóm củi gáo dừa khô để má nướng bánh tráng. Mớ gáo dừa này ba túc tắc gom, phơi từ lâu lắc trước tết.
Khi lửa cháy đượm, má hai tay cầm hai cái vợt, lật bánh lia lịa như múa để bánh chín vàng đều. Ba chị em tôi túm tụm quanh chậu lửa, hít hà mùi bánh thơm lẫn trong hương bưởi, hương trà, hương đồng nội mà ngọn gió sông xào xạc chở vào. Tựa lưng má, cắn miếng bánh tráng rôm rốp, ngắm trăng sao lung linh treo trên đầu, tôi nghe bụng dạ hạnh phúc mênh mang.
Đứa con gái “ngủ trưa trờ trưa trật”, khiến má hay thắc thỏm lo bị ế chồng, nay đã làm vợ, làm dâu, làm mẹ tận Hà Nội xa xôi. Mái nhà xưa bao năm qua chỉ còn ba lẻ loi vào ra với cỏ cây bởi các em tôi cũng đã như cánh chim tung cánh tìm miền đất hứa.
Phải vài ba năm cả gia đình tôi mới về Tiền Giang đón tết với ba một lần. Tết năm nay sẽ một cái tết sum vầy đặc biệt như thế. Khi biết tin này, ba vui dữ lắm, chộn rộn phơi gáo dừa, chờ con gái lớn về cùng nướng bánh tráng.
Một cái tết nữa vắng má khiến tôi càng nâng niu cái tết quý giá còn có ba bên đời. Dẫu tết nay hay tết xưa thì tết vẫn luôn nghĩa là sum vầy, là hội ngộ những nỗi nhớ niềm thương, là để mỗi tâm hồn hiểu thật sâu rằng phút giây có nhau chính là phút giây đủ đầy, ấm êm, hạnh phúc nhất.
MỸ HẠNH
Quận Hà Đông, Hà Nội