Cho tích tụ đất lâm nghiệp, nếu thu hồi phải đảm bảo lợi ích cho người trồng rừng

Các chuyên gia cho rằng, để chính sách đất lâm nghiệp "tương thích" với Luật Đất đai 2024, Bộ NN-PTNT cần xây dựng cơ chế cho tích tụ đất lâm nghiệp nhưng giám sát chặt tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng; khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo công khai lợi ích cho người trồng rừng, chủ đất...

img-6534-8281.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BẢO THẮNG

Tại hội thảo về giải pháp thực hiện “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 27-2 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành lâm nghiệp đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, gồm những thay đổi từ các quy định liên quan như Luật Đất đai 2024, Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; những quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), một số quy định về tín chỉ carbon từ rừng…

Để thích ứng với những quy định và thay đổi chính sách này, nhất là nhằm thực hiện hiệu quả quy định mới của Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, đề xuất Bộ NN-PTNT sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: cả nước, cấp tỉnh và cấp huyện.

Trong đó, cần phân bổ hợp lý quỹ đất phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và phải quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho những chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp và bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến sản phẩm lâm nghiệp tập trung với quy mô lớn.

Bộ NN-PTNT cần mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền song song với hoàn thiện cơ chế thu hồi đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.

“Việc thu hồi đất lâm nghiệp phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư và được tiến hành một cách công khai, minh bạch”, ông Tiến đề nghị.

Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực, sau 3 năm triển khai “Chiến lược phát triển lâm nghiệp”, mỗi năm cả nước trồng được trên 260.000ha rừng, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục tăng, đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao.

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Năm 2023, đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.

Đồng thời, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân tại các địa phương có rừng.

Tin cùng chuyên mục