Giao rừng cho cộng đồng
Trong vai người dân, chúng tôi đến một cánh rừng ở thôn Kon Tu Ma (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Nhìn từ bên ngoài, cây rừng mọc dày đặc, xanh um. Vào sâu theo các lối mòn, nhiều cây gỗ quý to bằng 2 người ôm mọc san sát nhau, ngọn cây chọc thẳng lên trời. Đang đi, chúng tôi gặp một tốp người đang đi kiểm tra rừng. Sau khi tra hỏi, biết chúng tôi không phải “lâm tặc”, họ mới vui vẻ và tiết lộ họ là người dân ở thôn Kon Tu Ma đang đi tuần tra rừng trên diện tích được giao cho cộng đồng thôn quản lý.
Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, cho biết, trên địa bàn xã hiện chỉ có người dân thôn Kon Tu Ma được giao quản lý rừng với diện tích hơn 360ha. Thôn có đông người nên tự tổ chức lực lượng, lên phương án tuần tra, bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt. Vì thế, thời gian qua chưa phát hiện vụ việc phá rừng nào. Khi tham gia tuần tra, người dân thôn Kon Tu Ma được hưởng tiền bảo vệ rừng nên có thêm phần thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân thôn.
Theo UBND xã Măng Ri, trên địa bàn xã hiện có khoảng 250 hộ dân làm thuê và tham gia liên kết trồng sâm cho công ty với tiền công 3 - 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà con còn được hỗ trợ gạo và 100 gốc sâm giống Ngọc Linh (giá trị khoảng 20 triệu đồng). Ngoài ra, có khoảng 200 hộ dân tự trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Do sản phẩm sâm Ngọc Linh có giá trị cao, cộng với việc muốn trồng loại cây này phải có đất rừng nên người dân ra sức bảo vệ rừng. Nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra phá rừng.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho hay trong năm 2018, huyện đã phối hợp với các ban ngành của tỉnh bàn giao hơn 4.900ha rừng cho Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum thuê để phát triển cây sâm gắn với công tác bảo vệ rừng.
"Rừng cho thuê để trồng sâm, không chỉ được bảo vệ tốt mà còn giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân tại chỗ. Vì thế, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn xây dựng phương án cho từng hộ gia đình và cộng đồng dân cư thuê rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh kết hợp bảo vệ rừng”, ông Vương Văn Mười cho biết thêm.
Nhiều kỳ vọng
Trong giai đoạn 2006-2016, UBND tỉnh Kon Tum đã giao hơn 66.000ha rừng cho 23 cộng đồng thôn làng và hơn 4.600 hộ gia đình quản lý bảo vệ. Ngoài ra, ngành chức năng cũng cho các tổ chức kinh tế thuê hơn 5.000ha đất rừng để thực hiện các dự án trồng dược liệu, kinh doanh cảnh quan du lịch, nghỉ dưỡng…
Ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, cho biết 300ha rừng do đơn vị quản lý và đưa vào phương án giao, cho thuê đều thích hợp với việc kinh doanh cảnh quan du lịch và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thuê, sẽ có 2 phương án thuê rừng. Đó là nhà nước làm thủ tục thu hồi, giao hẳn rừng cho doanh nghiệp bảo vệ và kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên kết với công ty cùng bảo vệ rừng và kinh doanh dưới tán rừng. Nhưng dù với phương án nào, việc đầu tiên doanh nghiệp thuê rừng cần đảm bảo là phải bảo vệ được rừng bằng mọi giá. |
Tỉnh Kon Tum kỳ vọng, khi phương án trên đi vào hoạt động, ngoài việc diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn, còn tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, người dân được giao rừng, cho thuê rừng sẽ kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng, kinh doanh cảnh quan du lịch để tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.