REM và liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành được 351 ghế, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế) trên tổng số 577 ghế hạ viện. Từ khi Tướng De Gaulle thành lập nền Cộng hòa thứ Năm năm 1958, người dân Pháp có xu hướng trao cho tổng thống thế đa số trong hạ viện để lãnh đạo đất nước.
Do đó, các đảng cầm quyền thường giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện diễn ra ngay sau bầu cử tổng thống. Nhưng chiến thắng vang dội của ông Emmanuel Macron là một ngoại lệ, vì quy mô và thế áp đảo của đảng cầm quyền, nhất là với một đảng non trẻ như REM.
Nhận định về chiến thắng của ông Emmanuel Macron, tờ Guardian cho rằng, vị Tổng thống trẻ tuổi này đã nắm mọi lá bài trong tay. Về đối nội, ông Macron đã có được sự hậu thuẫn cần thiết trong cơ quan lập pháp để thúc đẩy hàng loạt các cải cách tham vọng về kinh tế, chính trị và chống khủng bố.
Về mặt đối ngoại, việc Tổng thống Macron khẳng định quyền lực đã giúp tăng mạnh vị thế của nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới. Trong mắt các đối tác, từ nay ông Macron đã chính thức trở thành một nhà lãnh đạo tin cậy, đủ sức cùng với các đối tác chủ chốt trong EU, nhất là nước Đức, thực hiện chương trình cải cách ngôi nhà chung châu Âu.
Tuy nhiên, nếu xét các con số thống kê mới thấy, kết quả này không chỉ có một chiều thuận lợi cho đảng cầm quyền. Tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu quá cao, tới hơn 53%. Phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng REM là những người có thu nhập cao, tỷ lệ tầng lớp bình dân khá thấp, chỉ khoảng 17%.
Điều này cho thấy xã hội Pháp vẫn còn sự chia rẽ sau khi tổng thống mới lên cầm quyền. Đây cũng là thách thức mà Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp phải đối mặt khi muốn thực hiện các cải tổ.
Trước mắt, chính quyền mới có ít nhất 8 dự luật đang chờ xem xét, trong đó có luật lao động mới và luật chống khủng bố, 2 chủ đề quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Macron. Đây là 2 vấn đề gai góc nhất đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của người dân Pháp.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, khoảng 62% người Pháp hài lòng với hành động của ông Macron, một mức khá cao so với các chính quyền tiền nhiệm.
Sự ủng hộ của cử tri sẽ còn tiếp tục nếu ông Macron giải quyết được những trở ngại cản bước đi lên của nước Pháp mấy chục năm qua. Nếu không, nền tảng chính trị của REM sẽ nhanh chóng tan vỡ vì thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp cơ sở như của cánh tả hay cánh hữu Pháp.
Ở nước Pháp luôn tồn tại một nghịch lý: trong khi cử tri muốn cải tổ và sẵn sàng trao cho tổng thống quyền lực để cải tổ, họ luôn phản đối khi cải tổ thành hình. Tổng thống Macron và đảng REM chắc chắc không phải là ngoại lệ.
Trong bài phát biểu sau chiến thắng của đảng REM, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã thừa nhận tỷ lệ vắng mặt cao kỷ lục không phải là một dấu hiệu tích cực cho nền dân chủ.
Vì vậy, chính phủ sẽ phải có những hành động cụ thể để mang lại thành công và sự thay đổi tích cực cho nước Pháp, nhằm đáp lại sự lựa chọn của đa số cử tri vẫn quyết định dành lá phiếu “hy vọng” ủng hộ Tổng thống Macron và đảng cầm quyền, thay vì duy trì sự tức giận, bi quan.