Sở Công thương TPHCM cho biết, tính đến ngày 22-10, trên địa bàn có 103/234 chợ truyền thống hiện đang hoạt động. Các địa phương chưa mở chợ, gồm: quận 7, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.
Dự kiến từ nay đến 25-10, các quận, huyện tổ chức hoạt động trở lại thêm 19 chợ, gồm: Chợ Cát Lái, chợ Chiều, chợ Bình Trưng, chợ Tân Lập, chợ Phước Long B, chợ Tăng Nhơn Phú A, chợ Long Phước, chợ Long Trường, chợ Trường Thạnh, chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức); chợ Nhật Tảo (quận 10); chợ Bình Hưng Hòa, chợ Bình Long, chợ Kiến Đức (quận Bình Tân); chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh); chợ Phú Nhuận, chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận); chợ Xóm Mới (quận Gò Vấp); chợ Phước Lộc (huyện Nhà Bè).
Đối với 3 chợ đầu mối, hiện Hóc Môn đã tái mở sạp bán hàng sau hơn 3 tháng nghỉ dịch. Chợ Bình Điền và Thủ Đức vẫn hoạt động điểm trung chuyển, mỗi ngày khoảng 500 tấn hàng.
Do các chợ đều hoạt động với quy mô cầm chừng, từ 20-30% số lượng sạp nên hàng hóa không phong phú. Người dân đến chợ phải đảm bảo quy định phòng chống dịch nên số lượng cũng rất ít, khiến hàng hóa ế ẩm.
Đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, đến sáng 22-10, có hơn 100 sạp rau củ quả, trái cây, thịt heo mở cửa; hơn 400 tấn hàng về chợ nhưng lượng giao dịch rất ít. Hầu hết thương nhân ngành hàng rau củ quả, trái cây chỉ bán được khoảng 50% lượng hàng nhưng theo hình thức tập kết, trung chuyển, không có giao dịch trực tiếp tại chợ. Mặt hàng thịt heo, có tổng cộng 81 con heo được 8 chủ sạp đưa vào chợ nhưng đến gần 4 giờ sáng chỉ bán được vài con, thương nhân buộc phải chở đi nơi khác tiêu thụ hoặc đem về kho đông lạnh.
Bên trong chợ thì ế ẩm nhưng bên ngoài Quốc lộ 22, đường Nguyễn Thị Sóc, cổng chợ và các con đường xung quanh chợ lại buôn bán tấp nập, tràn ra cả lòng đường gây mất an ninh trật tự và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cũng đã có văn bản chỉ đạo chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, UBND quận 8 và huyện Hóc Môn khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, không bảo đảm quy định phòng chống dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối. Tuy nhiên, đến nay mọi việc không được xử lý, mà ngày càng hỗn loạn hơn.
Đại diện các hệ thống siêu thị lớn cũng cho biết, sau hơn 3 tuần mở cửa đón khách hàng mua bán trực tiếp, doanh số bán đang ngày càng sụt giảm từ 20%-30%, tùy nơi; dù hàng hóa các mặt hàng đang ổn định, không tăng đột biến. Nguyên nhân một phần cũng do công tác phòng chống dịch tại các siêu thị vẫn khá chặt chẽ khiến người dân e ngại khi đến mua sắm.
Trong khi đó, hiện nay ngày càng nhiều các quán ăn, nhà hàng chưa mở cửa trở lại nên “trưng dụng” mặt bằng để buôn bán đủ các loại thực thẩm tươi sống, từ rau củ quả đến thịt, cá… với mức giá rẻ hơn so với các chợ, siêu thị. Người dân đến mua sắm ở những địa điểm này thuận lợi hơn do không bị kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.