Ngày 15-10, TPHCM đã mở lại thêm 22 chợ truyền thống, gồm: Dân Sinh, Thái Bình (quận 1); Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (quận 3); Phùng Hưng, Tân Thành, Đồng Khánh (quận 5); Tân Mỹ (quận 7); Rạch Ông, Phạm Thế Hiển, Nhị Thiên Đường, Xóm Củi (quận 8); Bình Hưng Hòa, Da Sà, Khu phố 2, Bình Long, Kiến Đức (quận Bình Tân); Phú Nhuận, Trần Hữu Trang, Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) và Phước Lộc (huyện Nhà Bè).
Như vậy, theo Sở Công thương TPHCM, đến nay toàn thành phố đã có 69/234 chợ truyền thống mở cửa cho tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng tiêu dùng thiết yếu hoạt động trở lại. Mặc dù UBND TPHCM đã có văn bản đôn đốc các địa phương lên phương án mở lại chợ truyền thống nhưng do nhiều quận, huyện vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp nên khá thận trọng, mở từng bước và số lượng tiểu thương tham gia cũng rất khiêm tốn.
Trong khi đó, sau hơn 2 tuần mở cửa trở lại, toàn bộ hệ thống siêu thị ở TPHCM (106/106) đã dần đi vào hoạt động ổn định, hàng hóa dồi dào, giá cả ít biến động. Tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp), lượng khách đạt khoảng 70% so với những ngày bình thường nhưng lượng hàng bán ra lại tăng mạnh nhất là đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market… lượng khách đạt gần 100% so với trước dịch, hàng hóa không tăng giá do siêu thị có nguồn kết nối trực tiếp với các đầu mối nguyên liệu.
Trong khi đó, các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức vẫn chưa mở lại, chỉ hoạt động điểm trung chuyển, bình quân tiếp nhận khoảng 1.000 tấn rau củ quả và hải sản. Đại diện các chợ đầu mối phản ánh, dù đã “kêu cứu” nhiều lần về tình trạng bán chui, chợ tự phát xung quanh, cạnh tranh và gây nguy cơ lây lan dịch…nhưng vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của điểm tập kết hàng trong chợ.