Tây Nam bộ tích cực triển khai
Như đánh giá của cơ quan chức năng, hiện tại, các kênh thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã đáp ứng tiêu chí về vệ sinh môi trường; còn lại phần lớn chợ truyền thống do hình thành khá lâu nên hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng được quy chuẩn hiện hành, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, việc thay đổi diện mạo cho chợ truyền thống đang được nhiều địa phương tích cực triển khai.
Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương Đề án “Xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025”, với tổng kinh phí 113 tỷ đồng.
Các chợ nằm trong quy hoạch chợ của địa phương sẽ tham gia thí điểm mô hình này. Khi được triển khai, chợ được đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt.
Các tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm cố định phải có đăng ký kinh doanh, xác định được nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm và có ban quản lý chợ kiểm tra, thực phẩm hàng ngày.
Theo Sở Công thương tỉnh Long An, với đề án này thực phẩm vận chuyển vào chợ phải bằng phương tiện có thùng chứa đảm bảo hợp vệ sinh với từng loại và phải được che kín khi vận chuyển. Người trực tiếp kinh doanh có kiến thức an toàn thực phẩm, đủ sức khỏe theo quy định…
Trong năm 2019, Long An chọn chợ Phường 3 (TP Tân An) để xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Năm 2020, nhân rộng mô hình tại chợ Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) và chợ Phường 2 (TP Tân An).
Tại tỉnh Sóc Trăng, hồi đầu năm 2019, Sở Công thương tỉnh đã duyệt và chọn chợ Phường 2 (TP Sóc Trăng) để tổ chức “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP”.
Cuối tháng 3-2019, mô hình này đã được đưa vào hoạt động với sự đồng tình của hầu hết bà con kinh doanh tại chợ. Vừa mới được xây dựng, nâng cấp, chợ Phường 2 có cơ sở hạ tầng kiên cố.
Theo Ban quản lý chợ Phường 2, với việc các quầy sạp sạch sẽ, thực phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, người bán được khám sức khỏe định kỳ, người tiêu dùng đã rất an tâm khi sử dụng hàng hóa tại chợ. Các tiểu thương kinh doanh nhiều mặt hàng thiết yếu, cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống phong phú, nên sức mua khá cao.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 133 chợ, trong đó có 44 chợ thành thị, 89 chợ nông thôn. Các chợ truyền thống hình thành lâu đời, một số chợ đã được xây dựng, cải tạo nhưng phần lớn vẫn còn tình trạng mua bán mất trật tự và thói quen “tiện đâu mua đó” của người tiêu dùng.
Do đó, sau chợ Phường 2, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mô hình trên tại chợ Bông Sen (phường 6, TP Sóc Trăng), các chợ trung tâm thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và một số chợ khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với các địa phương trên, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang… cũng đang tích cực triển khai mô hình này.
TPHCM tiên phong dẫn đầu
Là địa phương có dân số đông, sức tiêu thụ thực phẩm cao, lại có mạng lưới chợ dày đặc, nên dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại TPHCM đã được triển khai từ năm 2017 và hiện đang bước sang giai đoạn 2. Theo đó, mỗi quận huyện sẽ triển khai một mô hình chợ truyền thống bảo đảm ATTP trong năm nay.
Trước đó, đầu năm 2018, UBND TPHCM chính thức phê duyệt dự án mô hình chợ ATTP và 2 chợ đầu tiên triển khai là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành.
Đến nay, 2 chợ này đã thực hiện việc sửa chữa, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất khu vực kinh doanh ngành hàng thịt heo theo các tiêu chí của Sở Công thương, đáp ứng các tiêu chí bảo đảm ATTP của dự án.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết bên cạnh việc sửa chữa, nâng cấp đường sá, cống rãnh, hệ thống nước sạch, quầy sạp, vật dụng bảo hộ lao động tại chợ, thương nhân còn được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn đào tạo kiến thức về ATTP và hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đề án này.
Đặc biệt gần đây, do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lan rộng tới TPHCM và chưa được dập tắt thì công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo heo an toàn mới được cung cấp ra thị trường đã được ban giám đốc cùng các tiểu thương kinh doanh tại chợ thực hiện rất nghiêm túc.
Theo Ban Quản lý ATTP TPHCM, việc triển khai giai đoạn 2 của đề án rất phù hợp, đúng thời điểm, bởi các nhóm mặt hàng thịt heo, thịt và trứng gia cầm, một số loại rau củ đã thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Cộng thêm, hiện nay ngành chức năng đã công bố TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Đây là cơ sở để các quận huyện đánh giá chợ truyền thống hiện hữu so với TCVN 11856:2017 về khả năng đạt các tiêu chí (hoặc nâng cấp, cải tạo cho đạt yêu cầu) để đăng ký thí điểm.