Tất cả phải… chờ
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, các trường đang xây dựng đề án, xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2023 nhưng đều phải chờ quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT rồi mới công bố. Mùa tuyển sinh ĐH năm 2022 đã có quá nhiều rối rắm, thay đổi liên tục khiến các trường và thí sinh đều mệt mỏi... “Tất cả đều do quy chế tuyển sinh ban hành quá chậm trễ. Do đó, để tránh đi vào vết xe đổ, Bộ GD-ĐT nên nhanh chóng ban hành quy chế để các trường có cơ sở xây dựng và công bố đề án tuyển sinh”, TS Nguyễn Đức Nghĩa kiến nghị.
Nói về kế hoạch tuyển sinh ĐH năm 2023 và những năm tiếp theo (đến năm 2025), lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường lẫn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển. Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn...
Cần quy chế khung từ Bộ GD-ĐT
Luật Giáo dục Đại học và nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học (Nghị định 99/2019/NĐ-CP) quy định các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh (xét tuyển, thi tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển). Tuy nhiên, từ trước đến nay, tất cả mọi khâu trong công tác tuyển sinh đều phải theo quy chế tuyển sinh hàng năm của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, một chuyên gia tuyển sinh phân tích: “Điều 26 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non (Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT) của Bộ GD-ĐT quy định từ năm 2023, cơ sở đào tạo xây dựng quy chế tuyển sinh cụ thể hóa những quy định về quy chế của Bộ GD-ĐT cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của trường; tổ chức tuyển sinh theo đề án và quy chế tuyển sinh đã ban hành, tuân thủ các quy định của Thông tư 08 và các quy định của pháp luật hiện hành”. Về mặt pháp lý, Thông tư 08 không hề nói đến thời hạn áp dụng cho năm 2023 hay những năm kế tiếp. Vì vậy, các trường sẽ rơi vào thế khó, đó là không xây dựng đề án, quy chế thì không được mà làm thì cũng phải chờ quy chế tuyển sinh năm 2023 của Bộ GD-ĐT.
Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM, trường đang lên kế hoạch họp bàn về công tác tuyển sinh năm 2023. Lâu nay, các trường có đề án tuyển sinh (công bố phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu), còn quy chế tuyển sinh của trường thì phải theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Chính vì vậy, bắt buộc phải có quy chế của Bộ GD-ĐT để các trường làm căn cứ xây dựng quy chế tuyển sinh riêng của trường.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, để tạo thuận lợi cho các trường, Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành và tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Quy chế của Bộ GD-ĐT là quy chế khung, có tính ổn định và lâu dài thì mới thuận lợi cho các trường xây dựng quy chế tuyển sinh riêng. Nếu chưa có quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT mà các trường xây dựng quy chế tuyển sinh riêng thì có “cầm đèn chạy trước ô tô” không, nếu có quy định trái với quy chế của bộ thì liệu có vi phạm hay không?”, Th.S Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM) băn khoăn. |