Người tiêu dùng ủng hộ
Có thể nói chợ phiên ra đời trong bối cảnh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Tuy chức năng chính là quản lý và tổ chức sản xuất, nhưng ngành nông nghiệp TP không thể khoanh tay đứng nhìn trước nghịch lý: người tiêu dùng không biết mua sản phẩm an toàn ở đâu, trong khi người sản xuất ra sản phẩm an toàn thì lại lúng túng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Và chợ phiên nông sản an toàn đầu tiên đã được tổ chức tại Khu Nhà hàng Đông Hồ (đường Cao Thắng nối dài, quận 10) vào tháng 8-2016, do Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TPHCM) thực hiện.
Việc hình thành chợ phiên nông sản an toàn dịp cuối tuần đã tạo được sự chú ý và ủng hộ của người tiêu dùng, nhưng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân khu vực gần đó. Người dân đã đề nghị cần có thêm chợ phiên ở những địa bàn dân cư tại nhiều quận - huyện còn lại.
Tháng 10-2017, chợ phiên nông sản thứ 2 khai trương cũng tại quận 10 - Công viên Lê Thị Riêng. Liền sau đó, có thêm chợ phiên tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1). Và mới đây là tại Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao quận Tân Bình. Không tính chợ phiên mới mở ở Tân Bình, 3 chợ phiên trước đó đã thu hút 55 đơn vị (của TPHCM và các tỉnh như Long An, Lâm Đồng...) tham gia nhiều mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng, gạo, thủy sản… Tổng cộng đã có 102 phiên chợ được tổ chức, với 3.096 lượt đơn vị tham gia; doanh số bình quân 650 triệu đồng/tuần. Mục tiêu của chợ phiên không dừng lại ở việc bán lẻ, mà là thông qua đó tiến tới ký kết những hợp đồng cung cấp dài hạn. Điều này đã được thực hiện khi các đơn vị tham gia chợ phiên ký 89 hợp đồng đặt hàng trị giá 9 tỉ đồng/tháng.
Như vậy, tổng doanh số từ các chợ phiên đạt khoảng 140 tỉ đồng/năm. Chưa kể, không ít đơn vị sau khi tham gia và người tiêu dùng quen mặt đã mở thêm cửa hàng bán lẻ gần khu vực, hay giới thiệu người tiêu dùng đến các cửa hàng của đơn vị sẵn có ở địa bàn khác nếu muốn mua sản phẩm an toàn vào những ngày còn lại trong tuần.
Theo ban tổ chức, sắp tới sẽ mở thêm nhiều chợ phiên nông sản an toàn tại Công viên Phú Lâm (quận 6), Công viên đường Số 19 (quận Bình Tân), khu chung cư An Lộc - An Phú (quận 2), trên địa bàn quận 5, quận 7...
Mục tiêu bền vững
Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay thì sẽ không thể có đủ nhân lực của Sở NN-PTNT và Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, cũng như của các đơn vị tham gia, khi dàn trải ở nhiều địa điểm trong cùng một ngày, lại rơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, để khắc phục tình trạng này, sở đang trong quá trình chuyển giao dần việc tổ chức các chợ phiên bằng phương thức xã hội hóa, có đơn vị (công ty cổ phần) đảm trách kết nối từ việc sản xuất, vận chuyển đến các chợ phiên.
Tại chợ phiên ở quận Tân Bình vừa qua đã giới thiệu về sự ra đời của công ty cổ phần. Ban đầu có 7 thành viên sáng lập, trong đó 4 mặt hàng chủ lực đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong từng mặt hàng, như gia cầm thì có Công ty San Hà, thịt heo có Công ty An Hạ, thịt bò có Công ty Daso, rau quả có Công ty Toàn Lực. Những đơn vị này đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu làm tốt thì việc tổ chức, điều phối, vận chuyển sản phẩm đến các chợ phiên sẽ thuận lợi và chuyên nghiệp hơn.
Theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, phương hướng tới, sẽ khuyến khích các đơn vị, hợp tác xã tham gia chợ phiên làm cổ đông của công ty, nhằm gắn kết thành chuỗi “sản xuất, vận chuyển, phân phối”, tạo điều kiện để công ty có thể hoạt động dễ dàng hơn. Khi đó, công ty cổ phần đứng ra tổ chức vận hành các chợ phiên một cách chuyên nghiệp theo đúng khả năng và chuyên môn. Sở NN-PTNT vẫn có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giám sát để hoạt động của chợ phiên đảm bảo đúng yêu cầu an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc. Hàng vào chợ phiên phải chịu sự giám sát và kiểm tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.
Nếu các chợ phiên được tổ chức phủ kín trên địa bàn TPHCM và hoạt động tốt, ngành nông nghiệp TP sẽ giải quyết được bài toán nhà sản xuất bán cho ai và người tiêu dùng mua sản phẩm đảm bảo an toàn ở đâu.
Các đơn vị muốn đưa hàng vào chợ phiên phải đáp ứng những tiêu chí như đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hay tham gia chuỗi an toàn thực phẩm của TP. Nguồn sản phẩm dù đã được địa phương giám sát trong quá trình sản xuất, nhưng khi mang hàng vào chợ cũng phải qua đợt test nhanh của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Theo các chuyên gia, cần xác định, việc tham gia chợ phiên không phải để các đơn vị kiếm lời, mà thông qua đó để giới thiệu với người tiêu dùng là sản phẩm an toàn, nhằm khẳng định uy tín và thương hiệu sản phẩm.