Đó là các cơ chế, chính sách về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19; kinh phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19; về thuốc, nguyên liệu làm thuốc và bình ổn giá trang thiết bị y tế...
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị UBTVQH cho phép người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19, kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hành nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thành lập hoặc giao nhiệm vụ thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 (sau đây viết tắt là cơ sở thu dung, điều trị Covid-19) mà không cần phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.
Sinh viên, học sinh, đối tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người đã đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp tham gia hoạt động tiêm chủng phòng Covid-19 và hỗ trợ thực hiện một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19.
Về kinh phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19, nguồn kinh phí bảo đảm chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập gồm: ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do Trung ương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương đã bảo đảm một phần kinh phí hoạt động cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do Trung ương thành lập đóng trên địa bàn hỗ trợ địa phương thì ngân sách trung ương không phải chi trả các khoản chi phí đó. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Trong thanh toán chi phí điều trị Covid-19, trường hợp các cơ sở thu dung, điều trị không thống kê được các dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh (hoặc thống kê được các dịch vụ kỹ thuật, nhưng không xác định được dịch vụ kỹ thuật đó được sử dụng để điều trị Covid-19 hay điều trị bệnh khác), Ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) theo chi phí thực tế.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định, bảo đảm không vượt quá mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn.
Quỹ bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí điều trị Covid-19 đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế mà không phải ký bổ sung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cơ sở được cấp có thẩm quyền thành lập mới, giao bổ sung nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị Covid-19.
Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí điều trị Covid-19 và các chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập; chi phí bảo đảm hoạt động tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng miễn phí theo quy định của pháp luật (không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ).
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Ủy ban tán thành các chính sách được trình. Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ và giải trình, làm rõ một số nội dung. "Để bảo đảm đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tinh thần của Nghị quyết số 30, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ trình những nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, pháp lệnh hiện hành để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19", bà Thúy Anh nhấn mạnh.