Tuy nhiên, cho tới nay, OPEC và các đối tác (OPEC+) vẫn bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây đề nghị tăng sản lượng khai thác để hạ giá dầu mỏ đang ở mức leo thang.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh, OPEC sẵn sàng tăng sản lượng nếu các thị trường có nhu cầu, song cũng nhấn mạnh OPEC cần độc lập với vấn đề chính trị.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Saudi Arabia và phương Tây ngày càng xấu đi, không ngạc nhiên khi Riyadh liên tục từ chối tăng sản lượng khai thác dầu. Ở một khía cạnh khác, sau nhiều năm dẫn đầu thế giới về sản lượng điện gió, điện Mặt trời và điện từ khí hydro, Liên minh châu Âu (EU) không khuyến khích đầu tư vào các hoạt động khai thác dầu khí mới và xem như dầu mỏ “sắp hết thời”. Giờ đây, nhiều quốc gia dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia đang tận dụng cơ hội này để “dạy” cho EU một bài học về việc coi thường vai trò của dầu mỏ.
Mặt khác, theo các nhà phân tích, Mỹ và EU chưa thực sự mong muốn chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, trong những năm qua, phương Tây vẫn tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận nhắm vào các nước sản xuất dầu như Iran, Venezuela hay Libya.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine, sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga đã giảm từ khoảng 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3-2022 xuống mức trung bình 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2022. Ông Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của Công ty Dầu khí Pvm Oil Associates ở London nhận định, không thể hy vọng OPEC sẽ bù vào nguồn cung dầu của Nga và do vậy, nguồn cung sẽ càng khó khăn hơn trong những tháng tới.