Bảng hiệu “xịn” giá một nụ cười
Mỗi tối, Nguyễn Phan Thanh Phượng (sinh năm 1998) và Nguyễn Phú Thịnh (sinh năm 1994) sẽ dạo quanh thành phố, thấy xe hàng nào nằm khuất, không có biển hiệu, hai bạn sẽ tấp vào ăn để tiếp cận, xin vẽ bảng hiệu. Một gánh hàng rong thu nhập khoảng hơn 200.000 đồng/ngày, có cô bác chỉ bán trung bình 50.000-70.000 đồng/ngày, trong khi giá một bảng hiệu vẽ tay rẻ nhất đã khoảng 300.000 đồng cho loại nhỏ, dùng để treo; vẽ lên xe đẩy hàng kích thước lớn cần hơn 1 triệu đồng.
Hành trình vẽ tặng tưởng đâu chỉ thuận lợi nhưng lại rất thường xuyên nghe những lời từ chối: “Thôi con ơi, cái gì mất chi phí cô không làm đâu. Không tốn tiền cô nhưng tiền ở đâu con có mà làm? Vẽ ít thôi, vẽ ít ít thôi đừng để tốn phí nhiều, mà thôi đừng vẽ nhe con”. Hiểu những gánh hàng này thực sự cần một tấm bảng hiệu, nhưng có khi vẫn phải năn nỉ cả tiếng đồng hồ, các cô bác mới tin mình được tặng bảng hiệu với cái giá chỉ là một nụ cười.
Khuya một ngày đầu tháng 3, hai bạn trẻ vô tình gặp ông Hạnh (70 tuổi) làm nghề bán mận. Để lo cho con, mỗi ngày ông chở vài bịch trái cây bằng xe máy từ Cần Giuộc lên TPHCM để bán ở chợ. Chỗ bán của ông là giỏ hàng trên chiếc xe cà tàng với một bóng đèn nhỏ leo lét cùng “bảng hiệu” là tờ giấy A4 “mận 20k/ký”. Phượng ngỏ lời xin ông nhận của mình tấm bảng hiệu chữ đậm, cứng cáp cho người đi đường dễ thấy hơn. Hơn 2 tiếng sau, bảng mới hoàn thành, ông Hạnh nói rưng rưng: “Quý quá, mới gặp mà đã được ơn nghĩa rồi, cái này chắc cả đời không quên”.
Để thực hiện một bảng hiệu, hai bạn chọn những chất liệu tốt nhất trong khả năng có thể: bảng ALU, fomex để bền với thời gian; màu sơn dầu để chi tiết được bắt mắt, dễ thu hút khách. Thời gian vẽ một bảng thường dao động 3-5 tiếng vẽ ngoài trời, bất kể giữa trưa nắng hay tối khuya, tùy thuộc vào thời gian hoạt động của các gánh hàng.
“Lâu nhất là lần tụi em vẽ xe bột chiên của ngoại Liên Hoa (quận 8) giữa trưa, phải chà sạch xe lại, cạo ra phần dầu mỡ bám bên thành xe. Đây là xe bột chiên rất cũ, kỷ niệm của bà và người chồng mới mất nên bà chỉ cho vệ sinh lại chứ không chịu mua xe mới. Chà sạch rồi vẽ dưới nắng thêm cả mấy tiếng đồng hồ.
Sắc màu xoa dịu
Đa số các cô bác gánh hàng rong đều trong những hoàn cảnh khá ngặt nghèo về tiền bạc. Phượng kể: “Hôm ấy chỉ vô tình chạy ngang một xe bán nước xập xệ, tấp vào hỏi thăm mới biết chị bán nước câm điếc bẩm sinh. Không những thế, chị ấy còn không biết chữ, cha mẹ mất, và đang bị ung thư đại tràng. Rất nhiều thiệt thòi, bế tắc dồn vào một số phận. Các cô bác khác ai cũng có câu chuyện, nỗi niềm riêng, người đang mang bệnh hiểm nghèo, người phải lo người thân, hay gia đình có chuyện buồn, lại có người thân cô thế cô. Cô bác nói chuyện với tụi em nhiều khi khóc”.
Hai bạn muốn các cô bác vui nên lúc nào tiếp xúc với cô bác cũng tận dụng tối đa cái lạc quan, vui vẻ của mình.
Rổn rẻng, nói nhiều, hay cười, Phượng và Thịnh đi tới đâu là không khí nhẹ nhàng tới đó. Vẽ trong những con hẻm nhỏ, các chú bác hàng rong lân cận cho hai bạn mượn bàn, ghế, dù…, thậm chí bỏ ăn trưa để ra xem, trò chuyện với hai bạn. Vẽ ngoài đường lớn, có chủ tiệm ngay cạnh vui vẻ cho hai bạn mượn nơi cắm điện máy sấy sấy từng lớp màu để bảng khô nhanh nhất. Những niềm vui rất bình dân này là động lực khiến cả hai cố gắng nhiều hơn, hoàn thành công việc nhanh hơn để nhanh nhanh đi vẽ, kiếm nhiều tiền hơn để đầu tư các loại sơn, bảng tốt hơn. Phượng nói: “Em cũng không tưởng tượng được là chỉ vẽ thôi mà mình có thể làm nhiều người vui dữ vậy”.
Thời gian sử dụng cho một bảng hiệu khoảng 2-5 năm trong điều kiện nắng nóng, mưa gió ngoài trời. Chỉ mới thực hiện hành trình được hơn 9 tháng nhưng đôi bạn vẫn chở nhau đi “bảo hành dạo” nếu có nứt bể, xước xát. Các cô bác rất quý món quà này, có cô lau chùi hàng ngày, tấm bảng nhiều tháng bôn ba nhưng vẫn như mới.
Vui nhất là những khi quay lại hàng quán cũ, nghe tin cô chú buôn may bán đắt hơn: xe tré trộn (quận 5) từ bán ngày được chừng chục hộp, nay đã tăng gấp 3-4 lần; chú Lạc (quận Tân Bình) bán dừa ngày 1-2 bao, nay có ngày đã bán được 7-8 bao; có 2 chị em sinh viên bán bánh tráng cuốn ở TP Thủ Đức, trước bữa đủ bữa khó thì nay đã có thể trang trải cuộc sống cơ bản, dành dụm được một ít để đóng tiền học phí…
Các gánh hàng rong trong thành phố cũng không thể “trả phí” cho Phượng và Thịnh bằng vật chất gì nhiều nhưng bằng niềm vui của ngày gặp lại, thấy đời của cô chú đã tạm nhẹ gánh hơn một phần.