1. “Khỏi xuống xe, tui đem ra cho”, anh Thắng khoát tay nói lẹ, rồi treo gọn ổ bánh mì lên xe cho bác xe ôm. Bác tài xế cảm ơn rối rít, vọt xe đi để kịp đón khách.
Treo tạm tấm bảng “Bánh mì miễn phí” phía trước một trung tâm ngoại ngữ trên đường Lâm Văn Bền (quận 7), mỗi tháng 2 lần, anh Thanh Thắng (43 tuổi, ngụ quận 7) cùng những người bạn phát bánh mì chay cho bà con lao động. Người nhận cảm ơn rồi vội vàng đi cho kịp giờ làm, giờ bán... Ai nán lại, dăm ba câu chuyện trò.
Nhóm người chuẩn bị thu dọn dần để ra về, trên bàn chỉ còn vài ổ bánh mì cuối cùng, người đàn ông độ ngoài 50 tuổi, áo còn lấm tấm vết xi măng níu tay anh Thắng cảm ơn lần nữa. Hỏi thăm, chú nói tên Tư, quê Sóc Trăng, lên đây ở trọ, làm phụ hồ cho công trình gần đây.
Hơn tuần nay, chú gom hết tiền để gửi về quê vì thằng con trai út đang bệnh, được ổ bánh mì lót dạ cữ sáng nên chú mừng đến độ ăn xong quay lại cảm ơn lần nữa vì chiều nay chủ mới phát lương, trong túi hôm nay tiền chỉ còn đủ cho cữ trưa. Anh Thắng vội vàng: “Lấy thêm ổ nữa đi, để dành cữ trưa”.
Quay sang phụ cô cháu gái dọn dẹp, anh Thắng cười: “Ở thành phố mình là vậy đó em, không phải người cho mới hào sảng đâu mà người nhận cũng vậy, người ta khó khăn nhưng biết nhường người khác nữa”.
Tiếng cười nói rộn rã cả buổi sáng, nhưng khi chia sẻ chuyện phát bánh mì miễn phí của mình, anh Thắng lại ái ngại: “Tui mắc cỡ lắm nghe, cái này là cả nhóm cùng chung tay chứ hông phải mình tui đâu”. Không chỉ là chuyện phát bánh mì miễn phí mỗi tháng 2 lần cho bà con lao động, anh Thắng cùng nhóm bạn tổ chức phát thêm gạo, mì gói định kỳ theo tháng hoặc tới tận các gia đình khó khăn để gửi quà.
“Chỉ hy vọng việc làm của nhóm giúp được nhiều người hơn trong cuộc sống và tui cũng chỉ mong mình có thể truyền cảm hứng một chút cho các bạn trẻ, dành chút thời gian để quan tâm đến hoàn cảnh xung quanh mình hoặc tham gia công tác xã hội, điều đó rất tốt để hình thành tính cách trong quá trình trưởng thành sau này”, anh Thắng tâm sự.
2. Vẫn là câu chuyện ổ bánh mì san sẻ nhau giữa người với người trong thành phố, nhưng người cho ở đây khiến nhiều người ngạc nhiên, cảm phục khi bạn đang là sinh viên năm cuối.
Khi còn trẻ, người ta có quyền mơ những giấc mơ lớn trong đời, nhưng cô bạn Nguyễn Thị Mỹ Dung (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chỉ ước có được một tủ bánh mì miễn phí. Mỹ Dung kể: “Một lần tình cờ đi trên đường Cao Thắng, em thấy một tủ bánh mì từ thiện nhưng đã ngừng hoạt động, cảm giác lúc đó mình thấy tiếc lắm. Nên em luôn đặt ước mơ đầu tiên trong đời mình là làm một chiếc tủ như vậy và sẽ cố gắng duy trì nó dài lâu. Hiện em đã làm được và nhận rất nhiều sự chung tay của mọi người để duy trì tủ bánh mì”.
Tủ bánh mì được Dung chăm chút cẩn thận mỗi ngày, ngoài bánh mì, cô bạn còn để thêm bơ, nước tương, sữa đặc để người nhận ăn kèm. “Hiện tại, tủ bánh mì không phải của em nữa rồi, mà trở thành của chung, mạnh thường quân gửi ủng hộ rồi chủ quán cà phê em làm thêm lo phần kinh phí duy trì. Em giờ chỉ có công chất bánh, lau chùi tủ thôi”, Dung hóm hỉnh nói về tủ bánh mì.
Tủ bánh mì đặt ở ngã tư Hoàng Sa - Trần Quốc Thảo (ngay chân cầu Lê Văn Sỹ, quận 3), chưa đầy 7 giờ sáng, những ổ bánh mì nóng hổi được Dung xếp gọn vào tủ. Lấy một ổ bánh mì, cô Nguyễn Thị Bé (55 tuổi, mua ve chai, ngụ quận 11) kể: “Tui nhận bánh mì ở đây cũng hai, ba lần rồi, lần nào cảm ơn, con bé cũng cười tươi rói, dặn bữa sau nhớ tới lấy nữa. Mình dân lao động nghèo thiệt, nhưng tui dặn lòng mình, bữa nào ế ẩm quá tới xin một ổ để đỡ cữ sáng, còn bữa nào buôn bán được thì mình tự lo, nhường phần người khác khó khăn hơn”.
“Em thấy việc cho - nhận ở thành phố mình tuyệt vời lắm. Người cho không tỏ vẻ, người nhận cũng không tự ti, ái ngại. Tủ bánh mì này cũng chỉ là một đóng góp nhỏ trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện. Em hy vọng tủ bánh mì chia sẻ cùng mọi người một chút vào buổi sáng, tuy không giúp được nhiều nhưng từ những việc nhỏ sẽ góp phần làm nên việc lớn và giúp được một chút gì cho người lao động còn khó khăn là điều cần làm”, Dung tâm sự.
3. Có khá nhiều ý kiến về câu chuyện “con cá hay cần câu”, mỗi ý kiến đều có sự phân tích và góc nhìn cá nhân để người ta phải suy ngẫm. Nhưng dường như ở thành phố này, cho hay nhận không phải là vấn đề làm người ta phải bận tâm nhiều. Bởi người cho chỉ mong lan tỏa đi cái tình cái nghĩa như anh Thắng, em Dung… và người nhận cũng trở thành người cho trong khả năng của họ.
Mỗi khi nói về quán cơm 2.000 đồng do mình phụ trách (trên đường Ngô Quyền, quận 10), chú Hồng Ánh (53 tuổi) không khỏi xúc động: “Bà con ghé lại ăn cơm là tui mừng rồi. Ai cũng tảo tần, chắt chiu từng chút vậy mà lâu lâu được bữa buôn bán lời nhiều hay cuối năm là xách lại chai dầu ăn, chai nước tương, túi gạo để góp vô quán. Chai nước tương nhỏ vậy thôi, chứ cũng là cái tình, cái nghĩa, người ta nhận sự giúp đỡ rồi cũng gửi lại chút tấm lòng, chỉ mong san sẻ với nhiều người còn đang khó khăn, cái tình như vậy mới quý”.
Và ở nơi này không thiếu những câu chuyện đẹp về những suất học bổng, chiếc xe đạp, xe lăn… dành cho những cảnh khó. “Với trường hợp gia đình có con nhỏ, tụi tui vẫn ưu tiên học bổng để các em đến trường hoặc sửa lại nhà cửa để mọi người an cư trước. Còn chuyện phát cháo đêm, cho gạo là mình sẻ chia trước mắt, đỡ một phần khó khăn cho bà con lao động nghèo.
Với họ, đỡ một bữa ăn cũng là dành dụm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống, hơn nữa là ảnh hưởng dịch bệnh rồi mưa bão mấy bữa rày, mần ăn cái gì cũng khó khăn, mình chia sẻ được chút nào thì làm chút ấy”, anh Thành Thái (48 tuổi, thành viên nhóm từ thiện Từ Tâm, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.
Có lẽ khi cho - nhận xuất phát từ tấm lòng, người ta không phải lăn tăn nhiều chuyện cho cá hay cần câu. Những tủ bánh mì miễn phí, quần áo không đồng, cơm - cháo từ thiện... cứ vậy mà có mặt hết chỗ này đến chỗ khác, cái chất hào sảng của người thành phố cũng từ đó mà lan tỏa.