Những bức xúc, bình luận chỉ trích từ khán giả trong chuyện này không có gì là khó hiểu, bởi một lời xin lỗi chân thành từ các nghệ sĩ tới công chúng hầu như chưa có.
Liên quan đến việc hàng loạt nghệ sĩ đăng bài quảng cáo tiền điện tử, thực phẩm chức năng, nhưng tới nay, chỉ có nữ diễn viên N.T. lên tiếng xin lỗi trên fanpage và nam nghệ sĩ Q.L. xin lỗi việc quảng cáo thiếu tiết chế về công dụng của thực phẩm chức năng có thành phần từ nghệ. Các nghệ sĩ còn lại xóa bài và im lặng coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Với trường hợp nghệ sĩ làm từ thiện, sự chậm trễ của nghệ sĩ H.L. trong 6 tháng qua dễ nhận được sự cảm thông của cộng đồng, nếu nghệ sĩ sớm chia sẻ với công chúng về lý do dẫn đến việc chậm trễ này. Sau khi cộng đồng mạng lên tiếng, trong clip giải thích gửi đến báo chí, nghệ sĩ H.L không hề có một lời xin lỗi thỏa đáng đến khán giả, đặc biệt là những người đã tin tưởng và chuyển tiền quyên góp. Cuối clip, nghệ sĩ H.L. chỉ gửi một lời xin lỗi tới người dân miền Trung vì số tiền đã đến trễ so với dự kiến.
Có thể thấy, văn hóa xin lỗi dường như hiếm có trong giới nghệ sĩ Việt. Khi đối mặt với tin đồn, thị phi, họ né tránh truyền thông; khi quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm, họ im lặng; và bị lên án vì kêu gọi khán giả tham gia vào tiền ảo đa cấp thì họ xóa bài. Nghệ sĩ cũng là con người và con người thì không ai hoàn hảo, sai thì xin lỗi và khắc phục… Nhưng ngược đời, càng nổi tiếng, nhiều người càng kiệm lời xin lỗi, phải chăng họ sợ thừa nhận cái sai của mình.
Đám đông không phải lúc nào cũng đúng, nhưng khi số đông khán giả phản ứng, thì phải nhìn nhận lại cách ứng xử của mình với cộng đồng người hâm mộ. Giá trị của một lời xin lỗi không chỉ làm nguôi cơn giận từ khán giả, mà nó còn thể hiện một nghệ sĩ biết ứng xử văn minh và tôn trọng khán giả, cũng như thật sự chuyên nghiệp trong cách giải quyết scandal.