Chờ mong một mái nhà

Đã chọn gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất TPHCM, hầu như ai cũng mong mỏi có một nơi gọi là nhà - khang trang, đầm ấm - để gia đình an cư lạc nghiệp. Đặc biệt, với những người lao động thu nhập thấp, người đang sống trong những nơi chật chội, tối tăm, ước mong này càng lớn lao, bỏng cháy. Và ở TPHCM, an cư là ước mơ chung của hàng triệu người.
Các em nhỏ vui chơi tại khuôn viên Chung cư HQC (Bình Tân, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các em nhỏ vui chơi tại khuôn viên Chung cư HQC (Bình Tân, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chênh vênh 

Buổi tối trong căn nhà sàn chật hẹp chỉ 8m2 trên rạch Xuyên Tâm, thuộc phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM, 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Ngời (60 tuổi, quê Vĩnh Long) quây quần ăn bữa cơm tối. Bữa cơm đơn sơ thời bão giá dọn ra trên sàn - được ghép bằng những tấm ván cũ. Sống chật chội mấy chục năm cũng quen. Ban ngày, bà Ngời đẩy xe đi mua ve chai, con trai chạy xe ôm, con dâu làm công nhân may, đứa cháu 7 tuổi thì đi học. Ai có việc nấy, cũng chẳng ở nhà bao nhiêu.

Cả nhà động viên nhau, thôi thì ở vậy cũng tạm rồi, có mái nhà che mưa che nắng đỡ hơn bao người. Những hôm nóng nực, bữa cơm tối phải bê hẳn ra ngoài đường, ngồi ăn mà trong lòng bà nhen nhóm ước mơ có một nơi ở khang trang hơn cho con cháu. Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, gia đình bà Ngời di dời đến ở tạm chung cư để đảm bảo giãn cách. Được ở chung cư thoáng mát, bà thấy tinh thần, sức khỏe tốt lên nhiều. Khi ấy, ước mơ về một nơi ở thông thoáng càng thôi thúc bà Ngời.

Rời khu nhà trên kênh rạch ở quận Bình Thạnh, chúng tôi đến chung cư Vĩnh Hội (phường 6, quận 4). Chung cư được xây dựng trước năm 1975 ở TPHCM và đã xuống cấp trầm trọng. Chỉ tay về hành lang loang lổ vết nứt trước nhà, ông Đặng Thành Trung lo lắng: “Sống ở đây thấp thỏm lắm, lâu lâu lại có mảng vữa rơi từ trên trần xuống”. Người đàn ông 73 tuổi này phải giữ hai đứa cháu trong căn hộ 30m2, không dám cho ra ngoài chơi vì sợ vữa rơi trúng. Ngày thường con cái đi làm hết nhà còn “dễ thở” chút. Cuối tuần, cả nhà chen chúc trong phòng khách chưa tới 10m2, vừa ăn uống, làm việc, vừa nghỉ ngơi…

Gần 19 năm lấy nhau, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, công nhân tại KCX Tân Thuận (quận 7) chuyển nhà trọ 6 lần. Với đồng lương công nhân eo hẹp và lương làm công ở tiệm sửa xe của chồng, gia đình chỉ dám tìm những căn phòng trọ nhỏ ở hẻm sâu. Chị Tuyết chi tiêu dè sẻn, gói ghém để dành mỗi tháng một ít tiền, phòng khi đau ốm và tiết kiệm để mua nhà. Chị trải lòng, dù biết khoản dành dụm không là bao, nhưng vợ chồng vẫn mong một ngày có thể vay mượn thêm để mua được căn nhà ở nhà ở xã hội (NƠXH) vừa túi tiền. Một căn NƠXH cũng là mơ ước của vợ chồng anh Trần Văn Khang, 31 tuổi, giáo viên tổng phụ trách đội Trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Anh yêu mến vùng đất này, mong được gắn bó lâu dài để cống hiến và có một căn nhà ấm áp của riêng mình.

Mòn mỏi chờ mong
Là cư dân chung cư Vĩnh Hội gần 30 năm qua, ông Đặng Thành Trung rành rọt từng sự kiện liên quan đến khu nhà. Ông kể, 2, 3 năm trước, đánh giá chung cư này xuống cấp nghiêm trọng, cơ quan chức năng có chủ trương di dời dân để cải tạo, xây mới. Tuy nhiên, đến nay chưa có phương án bồi thường, tái định cư hợp lý nên người dân chưa đồng ý di dời. Ông trần tình, dân cư ở đây ai cũng muốn được chuyển đến nơi ở rộng rãi hơn, an toàn hơn. Dù vậy, các hộ dân cũng mong muốn nhà nước có chính sách bồi thường thỏa đáng, tái định cư hợp lý để người dân yên tâm di dời, ổn định cuộc sống. 

Giấc mơ về NƠXH của vợ chồng anh Khang có lúc tưởng gần lắm, rồi lại xa vời vợi. Điều kiện được đăng ký mua NƠXH là phải có hộ khẩu, nhưng 12 năm sống ở đây, vợ chồng anh mới có KT3. Với giá nhà hiện nay, muốn có 30% giá trị căn nhà để nộp trước cũng không đơn giản, ít cũng phải 300-400 triệu đồng. Anh Khang nhẩm tính, sau 7 năm ra trường, lương 5 triệu đồng/tháng, vợ anh được 6 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập chỉ 11 triệu đồng. Nếu vay ngân hàng mua NƠXH, dù ưu đãi cũng phải trả gốc, lãi gần 10 triệu đồng/tháng. Anh vẫn mong TPHCM có chính sách phù hợp hơn để cán bộ công chức, viên chức thu nhập thấp như vợ chồng anh tiếp cận được với ngôi nhà mơ ước. 

Với 20 năm sống trên rạch Xuyên Tâm, bà Nguyễn Thị Ngời hình dung về nơi ở tốt hơn chỉ đơn giản là thoáng hơn, sạch sẽ hơn, không còn hôi thối. Có lẽ bà chưa hình dung được về những dự án “khổng lồ” của thành phố về di dời nhà ven và trên kênh rạch. Riêng căn nhà sàn của bà là một trong 2.196 căn cần di dời khi thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.

Nhìn rộng ra cả thành phố, còn nhiều dự án quy mô khác, như cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) phải di dời 190 căn nhà, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) phải di dời 834 căn nhà… Giai đoạn 2016-2020, TPHCM di dời nhà trên và ven kênh rạch rất hạn chế. Chỉ 2.479/2.000 căn được bồi thường và di dời, đạt 12,4% chỉ tiêu. Nếu bà Ngời biết thêm rằng việc kêu gọi đầu tư vào các dự án này rất khó khăn, bà sẽ hiểu ra giấc mơ an cư của gia đình có lẽ chưa thể thực hiện sớm được… 

Bà ĐẶNG HÀ TUYÊN, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Tân: Mong chờ nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống

Quận Bình Tân có lao động nhập cư đông, nhu cầu về NƠXH cho người thu nhập thấp ở quận rất lớn. Quận có hơn 350.000 lao động, nhiều KCN, riêng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam có hơn 60.000 lao động. Công nhân lao động đa phần thuê trọ, không đảm bảo điều kiện về diện tích, không gian sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều phòng trọ diện tích chỉ 9-12m2, 2-4 người thuê trọ. Các phòng trọ xuống cấp, vật tư, giá nhân công đều cao nên ít được đầu tư sửa chữa. Người lao động rất mong chờ được mua, thuê mua NƠXH để ổn định cuộc sống. Không chỉ công nhân mà cả giáo viên, công chức, viên chức nhà nước cũng có nhu cầu về NƠXH.

Bà NGUYỄN THỊ KIM DUNG, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy 
Bình Chánh: Nhà ở xã hội gặp vướng

Nhà ở thương mại ở Bình Chánh chủ yếu phục vụ cho nhu cầu giãn dân của các quận trung tâm, một phần nhỏ phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ dân. Tính đến nay, huyện có 85 dự án dân cư, tổng diện tích khoảng 1.304 ha. Bình Chánh hiện chỉ có 2 dự án NƠXH được thi công hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại đang vướng về pháp lý, bồi thường nên khả năng tiếp tục thực hiện dự án không khả thi. 
Về các khu nhà trọ, huyện có khoảng 6.186 nhà cho thuê, khoảng 164.190 người đang thuê trọ. Điều kiện sống tại các nhà trọ khá chật chội, chưa đảm bảo an toàn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, chất lượng cuộc sống, nhu cầu sinh hoạt... Huyện rất cần các sở ngành hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện đúng quy định về xây dựng mới, sửa chữa nhà trọ.


TPHCM phát triển nhà ở giá rẻ
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân nhìn nhận, việc di dời nhà ven và trên kênh, rạch đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Từ nay đến năm 2025, với chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch, TPHCM sẽ xây dựng đề án tổ chức di dời ngay người dân sống trên và ven kênh, rạch đến quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hiện có để tái định cư. 
Toàn thành phố có 474 nhà chung cư cũ xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng. Năm 2016, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%), song, đến nay chỉ 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới.
Năm 2022, UBND TPHCM đặt mục tiêu xây dựng mới 14 chung cư cũ cấp D (loại đặc biệt nguy hiểm). UBND TPHCM bố trí kinh phí 500 tỷ đồng để khẩn trương sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016-2020. TPHCM cũng rà soát và điều chỉnh quy hoạch lại khu vực, xây dựng lại nhà chung cư, đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và quy mô dân số phù hợp, đảm bảo tính khả thi nhằm thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, UBND TPHCM sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư với 37 dự án nhà ở thương mại có một phần quỹ đất để xây dựng NƠXH.
Theo kế hoạch phát triển NƠXH và nhà lưu trú cho công nhân giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển loại hình nhà ở này của TPHCM là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng 35.714 căn. Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà ven kênh, rạch và chung cư xuống cấp, TPHCM đã có kế hoạch phát triển nhà giá rẻ. Cuối tháng 4-2022, nhiều dự án NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân được khởi công, như dự án nhà lưu trú cho công nhân tại KCX Linh Trung 2 (TP Thủ Đức); dự án NƠXH tại phường Long Trường (TP Thủ Đức); dự án NƠXH tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh); dự án nhà ở phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh).
ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục