Chợ mạng và văn hóa bán - mua

Chuyện mua bán online giờ đã thành thói quen tất yếu trong đời sống, không chỉ ở các đô thị lớn. Nhưng trong chính sự bùng nổ ấy cũng có lắm nhiêu khê và cả những tình huống cười ra nước mắt giữa người bán, người mua và cả người vận chuyển (shipper).

Chợ mạng và văn hóa bán - mua

Ai cũng từng là “nạn nhân”

Chị Vũ Yến (ngụ chung cư Useful, quận Tân Bình, TPHCM) kể, vừa bị lừa chuyển khoản đơn hàng online. Sau khi trao đổi qua điện thoại, thấy số tiền khớp với một đơn hàng mình đã đặt, vì không trực tiếp nhận được hàng, chị nhờ shipper gửi hàng và nhắn số tài khoản để chuyển khoản. Tuy nhiên, đến tối khi hỏi người nhà hoàn toàn không có đơn hàng nào. Gọi điện không nghe máy, sáng hôm sau chị mới nhận được tin nhắn, đơn hàng đó giao ở… Tân Uyên (Bình Dương). Khi yêu cầu chuyển khoản trả lại, chị chỉ nhận được đường link với lời nhắn, nhấn vào đó sẽ được hoàn tiền.

“Tôi biết rất có thể khi ấn vào đường link đó, mình sẽ bị hack tài khoản, thậm chí còn mất số tiền lớn hơn, vì đã có bạn bè gặp trường hợp tương tự. Suy nghĩ lại mới thấy do bản thân mình mất tập trung, dù khi trao đổi qua điện thoại cũng đã có nghi ngờ nhưng lại không nghĩ nhiều”, chị Vũ Yến cho biết. Câu chuyện của chị Yến sau khi được chia sẻ trên Facebook cá nhân với mong muốn cảnh báo cho bạn bè. Không ít người cũng tiết lộ tình huống tương tự, thậm chí có người còn bị lừa hẳn 2 đơn trong 1 ngày.

Cũng chịu cảnh ấm ức dù không mất tiền oan, đó là chuyện một khách hàng ở Hà Nội lên tiếng về thái độ của shipper. Đặt vận chuyển một thùng hải sản tươi sống, ban đầu shipper nhận đơn, nhưng sau đó tự ý hủy rồi liên hệ trực tiếp với khách để giao tận nơi và đòi số tiền cao hơn mới chịu trả hàng. Khách hàng sau đó chấp nhận trả đủ số tiền như shipper yêu cầu, nhưng vẫn bị nhắn tin chửi, văng tục.

Cũng có những tình huống shipper trở thành nạn nhân. Một tiệm cơm tấm tại TPHCM từng gây bất bình vì shipper phải chờ 30 phút, nhưng vị khách đến sau lại được phục vụ trước, với lý do “anh sao so bì với khách được”. Sau đó, đại diện cửa hàng đã phải lên tiếng xin lỗi công khai đến các shipper, khách hàng và cộng đồng cũng như có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với nhân viên này. Hay câu chuyện một shipper tại TPHCM còn bị gọi lại đánh, mắng và quy kết là lừa đảo do người mua tưởng shipper cũng là nhân viên của cửa hàng.

Dung hòa để vẹn đôi đường

Cùng với đà phát triển chung của xã hội, văn hóa, nhất là văn hóa tiêu dùng cũng phải có sự phát triển tương đồng. Rõ ràng sự phát triển quá nhanh của thương mại điện tử đang khiến văn hóa mua bán qua mạng của người mua, kẻ bán và cả những người trung gian chưa theo kịp.

Ai cũng hiểu mua hàng online là xu hướng tất yếu trong xã hội khi công nghệ phát triển, đặc biệt sau dịch Covid-19. Bên cạnh nhiều ưu điểm, thì khi giao dịch qua mạng lên ngôi rất cần thiết phải xây dựng văn hóa mua hàng online. Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, từ văn hóa mua bán ở chợ phiên, chợ truyền thống đến siêu thị và nay là online. Ngoài câu chuyện thuận mua - vừa bán, còn có vô số quy định khác nhau, thậm chí rất khắt khe để đảm bảo lợi ích cũng như trách nhiệm cho cả người mua và người bán.

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội luôn có những quy định về chất lượng hàng hóa, kinh doanh và cả những cam kết từ người bán hàng. Tuy nhiên, không ít trong số đó vẫn mang tính hình thức. Chuyện khách trả hàng, khiếu nại cũng xuất phát từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bởi hàng online và thực tế khác xa nhau. Khách hàng cũng có quyền lên tiếng báo cáo, khiếu nại về chất lượng hàng hóa, thái độ của shipper… Nhưng vì môi trường “chợ” giờ diễn ra trên không gian mạng nên mọi thứ không dễ dàng để kiểm soát, từ tất cả các phía. Không phải trong trường hợp nào khách hàng cũng là thượng đế và luôn luôn đúng.

Khi hình thức mua bán đã có sự thay đổi theo thời thế, để xây dựng văn hóa mua hàng online rất cần sự dung hòa từ cả hai phía. Ở khía cạnh người bán, rất cần sự nhạy bén, khéo léo và những ứng xử phù hợp để cùng nhau tìm ra giải pháp chung hài hòa về lợi ích. Chất lượng sản phẩm sẽ thuyết phục và lôi kéo khách hàng, nhưng quan trọng không kém là dịch vụ đi kèm, trong đó khâu vận chuyển là tối quan trọng. Trong không ít trường hợp, thái độ của shipper khi giao hàng từ cách gọi điện thoại, trao đổi hàng hóa, giao tiếp với khách… ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm và quyết định mua hàng tiếp theo, hay dành cho shop những đánh giá tích cực.

Nhưng ngược lại, khách hàng vừa nên là người tiêu dùng thông minh, tự trang bị cho mình kiến thức để không sập bẫy các chiêu lừa đảo, gian lận nhưng cũng cần cả sự tôn trọng, thấu hiểu. Việc “bom” hàng dù với bất cứ lý do nào, hay những hành động như trên với các shipper chắc chắn không nên diễn ra. Bản thân khách hàng có trong tay không ít quyền và cả công cụ bảo vệ về mặt pháp luật, hãy dùng nó đúng nơi đúng lúc để bảo vệ chính mình và đưa ra những cảnh báo cho mọi người xung quanh. Đó là cách tạo nên văn hóa chợ mạng ngày càng văn minh.

Tin cùng chuyên mục