Hết cảnh chợ chiều
Để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân và thúc đẩy thương mại phát triển, từ năm 2004, quận 9 đã đầu tư xây dựng hàng loạt chợ ở các phường. Tuy nhiên, do buôn bán ế ẩm nên chẳng bao lâu sau nhiều chợ đã phải dẹp, một số chợ chỉ hoạt động cầm chừng. Chợ Long Trường được xây dựng từ tháng 8-2006 với kinh phí gần 5 tỷ đồng, gồm 125 sạp, cũng đã có gần chục năm ế ẩm. Vậy mà nay chợ Long Trường đã kín sạp, hàng hóa dồi dào, nhộn nhịp người mua bán. Phía hông chợ vốn là khoảng sân trống để làm đất dự trữ, nay cũng đã được thuê hết. Ngoài những tiểu thương kinh doanh ổn định, người buôn bán lưu động cũng vào chợ thuê chỗ, chứ không bán dưới lòng, lề đường.
Điều gì đã giúp chợ Long Trường hồi sinh? Tiểu thương Phan Bích Diễm (bán bún) kể: “Ngày mới xây, chợ khang trang và đẹp lắm, nhưng người dân không vào mua. Chúng tôi có sạp nhưng chỉ trụ được vài tháng rồi phải bỏ chợ ra lề đường ngồi bán. Nay chợ sầm uất, nhộn nhịp, chúng tôi mừng lắm, tôi phải thuê thêm người phụ, chứ một mình bán không kịp”. Là một trong số ít tiểu thương trụ lại chợ từ ngày đầu đến nay, bà Nguyễn Thị Tiện không giấu được niềm vui khi nói về sự hồi sinh của ngôi chợ này: “Nhìn chợ bây giờ, không ai nghĩ rằng nhiều năm trước vắng như chùa bà đanh. Người dân thích mua bán ở các chợ tự phát trên lề đường cho tiện. Tiểu thương có sạp trong chợ thì xót xa vì đọng vốn, không thể sinh lời. Tội nhất là những người lớn tuổi như chúng tôi, không buôn bán, không cho thuê sạp được, mà sức khỏe yếu chẳng biết làm gì, nên túng thiếu lắm. Thế rồi chợ đông dần, ngày nào cũng có người tới hỏi thuê sạp. Thật mừng!”.
Trước khi vào kinh doanh trong chợ Long Trường, chị Trần Thu Hà bán rau tại vỉa hè đường Nguyễn Duy Trinh, nhiều lần bị xử lý hành chính vì chiếm dụng lòng lề đường. Thấm cảnh bị lực lượng trật tự đô thị giải tỏa và phạt, sau hàng chục lần được thuyết phục, chị Hà cùng nhiều người đã quyết định chuyển vào bán trong chợ. Chị Hà tâm sự: “Lúc đầu chúng tôi cũng đắn đo lắm, sợ vào chợ buôn bán không được thì cụt vốn. Thế nhưng, dần dà thấy chợ hoạt động ngày càng đông, nên cũng tự giác vào chợ bán. Giờ tôi nghiệm ra, khách hàng bỏ chợ cũng một phần vì trong chợ không đủ mặt hàng, nay nhiều tiểu thương cùng bán, đầy đủ mặt hàng thì mới giữ được khách. Bán trong chợ không phải nơm nớp lo bị phạt như ngoài đường, lại có khách quen, nên quầy hàng của tôi ngày càng phát triển”.
Kinh nghiệm rút ra từ thực tế
Nhìn cảnh nhộn nhịp của chợ Long Trường ngày nay, ông Hồ Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Long Trường, rất mừng vì đã không uổng phí công trình tiền tỷ. Ông Phong cho biết: “Với quyết tâm vực dậy chợ, tăng sức mua, năm 2008, phường Long Trường đã xin sửa chữa chợ và tập trung lực lượng giải tỏa việc buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, kiên trì tuyên truyền vận động người dân mua bán trong chợ. Chợ Long Trường bắt đầu khởi sắc từ năm 2013, khi phường dẹp các điểm mua bán ở lòng lề đường.
Mất 2 năm kiên trì thuyết phục từng hộ kinh doanh, đến năm 2015, chợ Long Trường mới thực sự đi vào hoạt động ổn định, rồi theo đà phát triển sầm uất như hiện nay. Ngoài việc dẹp các điểm mua bán tự phát, UBND phường cũng kiến nghị quận hỗ trợ để tiểu thương yên tâm vào chợ kinh doanh. Các tiểu thương có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ nới dài thời gian đóng các loại thuế hoa chi, thuế môn bài”.
Trước đây, chợ Long Trường ế ẩm một phần vì dân cư thưa, hiện nay đường sá thuận tiện, người dân về ở tập trung đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho chợ Long Trường kinh doanh nhộn nhịp. Trên địa bàn phường vẫn còn nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, nên rau vườn, cá ao và nhiều thực phẩm sạch được người dân thu hoạch đem ra chợ bán. Do vậy, chợ Long Trường không chỉ thu hút dân địa phương, nhiều người ở các nơi khác cũng tìm tới mua. Sức mua tăng nên tiểu thương ở nhiều nơi tìm đến thuê sạp. Chợ Long Trường đã trở nên sầm uất và nhộn nhịp vào bậc nhất quận 9. Bài học kinh nghiệm của phường Long Trường là kịp thời có biện pháp mạnh xử lý chợ tự phát và quyết không để hình thành các điểm kinh doanh tự phát mới, đồng thời tạo mọi điều kiện để tiểu thương vào bán trong chợ.