1. Con đường Lương Nhữ Học (quận 5) nhỏ hẹp sẽ có 350 ngày trong năm được là… chính mình. Khi này, người ta gọi đây là con đường Lương Nhữ Học, người dân sống chủ yếu trong những căn nhà nhỏ với kế sinh nhai chính là buôn bán - từ thuốc Đông y, đồ thờ cúng, đến quán ăn quán nước… Thế nhưng, có một mùa rất ngắn, con đường Lương Nhữ Học biến hình thành “Phố Lồng đèn”. Lúc này, người ta bỗng quên luôn cái tên chính danh mà chỉ nhớ về một con đường rực rỡ ánh sáng, san sát các cửa hàng trưng bày lồng đèn đủ mọi màu sắc, chủng loại. Dù Tết Trung thu thực tế chỉ diễn ra duy nhất một ngày trong năm là rằm tháng tám âm lịch, nhưng từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, người ở nơi khác (thường là các chủ cửa hàng buôn bán nhiều năm) sẽ tề tựu về đây, thuê mặt bằng để bày bán lồng đèn.
Khác với những cửa hàng bán lồng đèn thông thường, những cửa hàng lồng đèn trên con phố này được trưng bày đẹp mắt, tạo giá trị thưởng lãm chứ không chỉ đơn thuần là bày hàng hóa để mua bán. Từ lồng đèn giấy kiếng dân dã đến những chiếc đèn kéo quân truyền thống, hay những chiếc đèn lồng điện tử chớp nháy tân thời đều có mặt tại đây. Chúng được người bán sắp xếp, bài trí đủ để khoe sắc rực rỡ nhưng cũng vừa tinh tế để thu hút khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.
Những ngày này, người ở khắp nơi sẽ kéo đến con phố nhỏ để tham quan và mua sắm. Cha mẹ dẫn con nhỏ đến ngắm và tìm mua chiếc lồng đèn ưng ý để nhắc nhớ về Tết đoàn viên của những xưa cũ, và trao truyền cho tuổi thơ con đủ đầy những giá trị văn hóa truyền thống lộng lẫy nhất; từng tốp nam thanh nữ tú diện những bộ áo dài đẹp đẽ lưu giữ những khoảnh khắc của thanh xuân. Mỗi năm, con phố lồng đèn này đâu chỉ mang niềm vui đến cho những người bán mưu sinh, mà người mua cũng tìm thấy ở đây những giá trị cần gìn giữ…
Cô Lâm Huê (ngụ quận 6), đã có thâm niên hơn chục năm bán tại đây, chia sẻ: “Nhà cô làm lồng đèn, đồ trang trí thủ công cho đám tiệc, ngày thường bán tại nhà nhưng gần tới trung thu sẽ đến đường Lương Nhữ Học thuê mặt bằng để bán. Ban đầu thấy người khác bán, mình cũng đến, rồi nhiều người cùng đến tạo thành một con phố dài thu hút càng đông khách đến tham quan, mua sắm hơn. Nếu sau này cô lớn tuổi thì để lại con cháu bán, nhưng chắc sẽ nhớ lắm những ngày ở con phố lồng đèn”.
Hiện tại thì khắp con đường đang phủ màu sắc của Giáng sinh. Từ đầu tháng 11, tất cả cửa hàng ở hai bên dãy phố bắt đầu bày bán các mặt hàng trang trí Giáng sinh, từ những trái châu, hộp quà rẻ nhất đến các cây thông cao cấp tính bằng vài chục triệu đồng. Vào những buổi chiều tối, khi con phố lên đèn, thứ ánh sáng rực rỡ của những chiếc đèn led chớp tắt nhiều màu cộng hưởng với sự đồng bộ của cả con phố kéo dài hàng trăm mét như khoác chiếc áo lung linh nhất cho đường Hải Thượng Lãn Ông vào những ngày cuối năm.
Những ngày này, người đi đường cứ đến đoạn này là sẽ tự động chạy chậm lại để thưởng thức cảnh đẹp miễn phí, thứ cảnh đẹp được tạo ra không chỉ từ hào nhoáng, mà từ không khí nhộn nhịp mang hơi thở cuộc sống. Ghé vào một cửa hàng bất kỳ, bạn sẽ dễ dàng bị hoa mắt bởi vô số đồ trang trí phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm. Vừa bán xong cho một khách hàng lớn, uống vội miếng nước thấm giọng, Tâm, nhân viên của cửa hàng Quang Thông, nói: “Ở đây người ta sống theo mùa. Bây giờ là bán đồ trang trí cho Noel và chuẩn bị nhập hàng cho tết ta. Vừa hết ngày 25-12 thì lập tức sẽ thay “áo mới”, kéo toàn bộ đồ Noel vào kho và “lên đồ” cho tết. Cứ thế, quanh năm ở đây liên tục mang không khí lễ hội sớm nhất. Nhiều người nói không cần nhớ thời gian, chỉ cần đi ngang đây sẽ biết sắp tới ngày gì trong năm…”.
Chỉ hơn 1 năm trước, khi dịch Covid-19 vừa được kiểm soát, thứ chúng ta nhìn thấy nhiều nhất trên đường chính là những tấm bảng viết vội dòng chữ thanh lý mặt bằng, cần sang quán. Nhưng chỉ sau 1 năm, sự tái khởi mạnh mẽ rõ rệt, các con đường càng về cuối năm đã trở lại sự nhộn nhịp như vốn có. Trong đó, khu vực Chợ Lớn có lẽ thể hiện rõ rệt nhất. Ngoài những con phố trang trí trứ danh, nơi này còn có khu vực bán bánh cổ truyền ở khu Chợ Thiếc (quận 11), đường Phùng Hưng (quận 5) buôn bán theo kiểu mùa nào thức nấy. Người ta bán đủ các loại bánh để cúng: Tết Nguyên tiêu thì bán bánh chay, Tết Đoan ngọ cả xóm làm bánh bá trạng, Tết Nguyên đán về, đủ thứ loại bánh để chưng thờ như bánh tổ, bánh lựu cầu duyên chỉ làm duy nhất dịp tết cổ truyền.
Ở quanh khu Chợ Thiếc, ngày thường sẽ bán các loại lá xông, cây cỏ vị thuốc dân gian; đến Tết Đoan ngọ lại trở thành đại bản doanh của những bó lá trừ tà, đuổi sâu bọ; gần Tết Nguyên đán bán lá dong gói bánh chưng, lá chuối gói bánh tét, lá xông nhà để tống cựu nghinh tân… Từ 20 tháng chạp, người ta dọn hàng ra mặt đường Trần Quý bán, và chưa dọn về cho đến thời khắc giao thừa. Ban ngày là người thành phố đi chợ, còn ban đêm tấp nập khách tỉnh đổ về mua sỉ. Sau 1 giờ sáng, khách thưa dần, các “đối thủ” rủ nhau uống bình trà đặc quánh xua đi cơn lạnh chờ trời sáng… Muốn xem sức mua ngày tết thế nào thì ra khu chợ nông sản ngay cạnh Bến xe Chợ Lớn. Ở những con đường nhỏ quanh bến xe, 2-3 giờ sáng, người xe đông ken, khách tỉnh, khách sỉ, hàng ra vào tấp nập, xe kẹt kín nhưng không mấy ai khó chịu vì điều đó.
Có lẽ sức hấp dẫn của những con đường này không chỉ nằm ở vẻ ngoài, mà đôi khi những tạp âm xô bồ đầy sức sống cũng là vẻ đẹp nội sinh bên trong những con đường ở TPHCM.